Theo dõi Báo Hànộimới trên

Biểu hiện và cách phòng bệnh whitmore

Hương Thủy| 16/09/2019 13:54

(HNMO) - Thời gian qua liên tiếp ghi nhận trường hợp mắc bệnh whitmore. Đây là bệnh không dễ lây lan, không trực tiếp lây từ người sang người nhưng dễ nhầm với bệnh khác. Vậy, phòng bệnh này như thế nào?

Từ tháng 7 đến tháng 9-2019, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã phát hiện và điều trị cho 3 ca mắc bệnh whitmore. Bệnh nhân trong độ tuổi 11-13, được người nhà đưa đến viện với tình trạng áp xe viêm tuyến nước bọt mang tai. Khi đưa đến, tình trạng bệnh của 3 em đã chuyển nặng.

Theo người nhà bệnh nhân, bệnh có biểu hiện giống quai bị nên đã tự điều trị tại nhà. Sau khi được đưa vào viện, các bác sĩ đã cấy mủ, xét nghiệm máu thì phát hiện cả 3 bệnh nhi này đã dương tính với whitmore. 

Ba bệnh nhi mắc whitmore.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai, từ đầu năm 2019 đến nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã ghi nhận 20 ca mắc căn bệnh nguy hiểm này; riêng tháng 8 ghi nhận 12 ca nặng được chuyển đến, trong đó một bệnh nhân bị vi khuẩn ăn mất phần tổ chức mềm của cánh mũi. Bệnh nhân chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ.

Nói về biểu hiện của bệnh, PGS.TS Bùi Vũ Huy, chuyên gia Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, bệnh nhiễm khuẩn whitmore có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng.

Ở trẻ em mắc bệnh thường có triệu chứng sốt cao, nhiễm trùng nhiễm độc, trong đó biểu hiện sưng tuyến mang tai thường gặp hơn các triệu chứng khác. 

Còn với người lớn, bệnh cảnh phổ biến nhất là viêm phổi, sau đó tới viêm da, nhiễm trùng tiết niệu, nhiễm trùng huyết... 

Nếu người khỏe mạnh không may mắc phải bệnh whitmore, được phát hiện điều trị hợp lý thì sẽ khỏi bệnh, không để lại di chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh rơi vào những người già, yếu, miễn dịch suy giảm, đang mắc các bệnh mạn tính thì sẽ có nhiều nguy cơ hơn, diễn tiến phức tạp và khó chữa hơn.

Đây là loại bệnh ít gặp nên việc phát hiện, định danh vi khuẩn khó khăn, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng nhiều đến việc điều trị. Chỉ cần bác sĩ xác định đúng là bệnh nhiễm khuẩn thì sẽ có chỉ định dùng kháng sinh theo nguyên tắc, sau khi dùng kháng sinh từ 48 đến 72 giờ mà không có dấu hiệu thuyên giảm, sẽ đổi kháng sinh khác. Đồng thời bệnh nhân có các triệu chứng và yếu tố nguy cơ như trên, cần nghĩ tới bệnh whitmore và chỉ định điều trị bằng ceftazidim, loại kháng sinh cephalosporin rất phổ biến ở các bệnh viện, để mang lại hiệu quả cao nhất.

“Đây là căn bệnh nhiễm trùng cơ hội, không dễ mắc, ít gặp ở người có sức khỏe bình thường. Bệnh không dễ lây lan, không trực tiếp lây từ người sang người. Vì thế, người dân không nên lo lắng”, chuyên gia Bùi Vũ Huy nhấn mạnh.

Để phòng tránh bệnh whitmore, các chuyên gia khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với bùn, đất hoặc các vùng nước có khả năng bị ô nhiễm. Những người làm việc tiếp xúc nhiều môi trường đất và nước phải có phương tiện bảo hộ lao động, nếu có trầy xước ngoài da cần điều trị sớm và triệt để.

Cùng với đó là đảm bảo vệ sinh thân thể sạch sẽ; rửa tay, chân thường xuyên, đặc biệt sau khi đi ra ngoài về. Khi có các triệu chứng như sốt cao, viêm phổi, viêm da..., nên đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất, bùn và đường lây nhiễm, chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Biểu hiện và cách phòng bệnh whitmore

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.