Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh sốt xuất huyết: Chớ chủ quan!

Bài, ảnh: Hương Thủy| 20/09/2019 15:01

(HNMO) - Hiện nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang trong giai đoạn cao điểm. Bệnh nhân nhập viện vì bệnh này tăng mạnh. Điều đáng nói, nhiều bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh rõ ràng hoặc có dấu hiệu, vào viện sớm vẫn xuất hiện tình trạng cảnh báo nguy hiểm.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh

Ghi nhận của phóng viên HNMO tại một số bệnh viện vào chiều 19-9 cho thấy, bệnh nhân bị SXH nhập viện điều trị tăng mạnh. Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, bệnh nhân điều trị SXH khá đông.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào kiểm tra bệnh án của bệnh nhân.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, nếu như tháng 7, khoa chỉ tiếp nhận 10 ca SXH thì tháng 8 có đến 18 ca. Từ đầu tháng 9 đến nay, số ca nhập viện đã tăng gấp đôi tháng 8.

Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, bác sĩ Trần Kim Anh, Phụ trách Khoa Các bệnh nhiệt đới cho hay, hiện bệnh viện đang điều trị cho 45 ca mắc SXH. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận điều trị 445 ca SXH.

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ tính riêng trong tháng 8, mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận hàng chục trường hợp đến khám SXH, số ca phải nhập viện để điều trị nội trú tăng cao, với 66 bệnh nhân nặng.

Điều đáng nói, không ít trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh khi đã xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như buồn nôn, đau bụng, lơ mơ, chảy máu mũi, chảy máu chân răng.

Tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn, chị Nguyễn Bích Vân (38 tuổi, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) điều trị SXH đã được 8 ngày. Chị cho biết, khi thấy người đau mỏi, ho, sốt, chóng mặt, chị đã đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn khám và phát hiện bị SXH. Kết quả xét nghiệm tiểu cầu của chị ở mức thấp, 72G/L, có lúc xuống còn 10 G/L, trong khi thông thường phải ở mức 150-400 G/L. Hiện tình trạng bệnh của chị đã ổn định, tiểu cầu đang tăng trở lại.

Cũng tại khoa này, bà Lê Thị Đài (71 tuổi, ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng) điều trị SXH đến ngày thứ 7. Theo người nhà, khi bà vào viện, tiểu cầu và bạch cầu của bà lần lượt ở mức 62G/L và 2,2G/L (bạch cầu thông thường là 4-8G/L). Điều đáng nói, bà Đài không có dấu hiệu điển hình của SXH mà chỉ bị mệt nên đi khám. Các bác sĩ cho biết, bà bị SXH trên nền bệnh cao huyết áp. Hiện bà vẫn đang tiếp tục được điều trị và theo dõi.

Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó Khoa Nội tổng hợp cho biết, cả hai bệnh nhân trên đã vào viện kịp thời, bởi khi tiểu cầu và bạch cầu ở mức thấp, nếu không được kiểm soát và theo dõi cẩn thận, dễ dẫn đến nguy cơ xuất huyết da, niêm mạc, nội tạng, viêm gan cấp, viêm cơ tim, thậm chí có thể sốc xuất huyết, dẫn đến tử vong.

Cần chủ động phòng tránh

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho hay, trong những tuần gần đây, số ca mắc SXH trên địa bàn thành phố có xu hướng tăng. Nguyên nhân do khu vực miền Bắc có nhiệt độ cao hơn nền nhiệt độ trung bình hằng năm từ 0,5 đến 1,5 độ C. Đây chính là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh SXH sinh sản và phát triển.

Bên cạnh đó, do quá trình đô thị hóa phát triển mạnh nhưng chưa đồng bộ với sự phát triển của cơ sở hạ tầng, vệ sinh môi trường còn hạn chế, mật độ dân cư đông, dẫn tới nguy cơ phát sinh các ổ bọ gậy của muỗi truyền bệnh. Đặc biệt, hằng năm chỉ lưu hành hai tuýp virus Dengue gây bệnh SXH là tuýp D1 và D2, nhưng năm nay xuất hiện thêm tuýp D3, làm cho số người có nguy cơ mắc bệnh tăng lên.

Theo bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, giai đoạn nguy hiểm của SXH thường từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Trong giai đoạn này, người bệnh thường hết sốt nhưng vẫn phải theo dõi diễn biến của bệnh. Nếu có bất thường, cần đến ngay cơ sở y tế để điều trị.

Tuy nhiên, “người bệnh không nên chủ quan, chờ có dấu hiệu bất thường mới đi khám. Khi thấy dấu hiệu của SXH hoặc cơ thể mệt mỏi là phải đi khám, đặc biệt với người bệnh có các bệnh lý mạn tính, người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em. Nếu bệnh được phát hiện sớm, việc theo dõi, điều trị sẽ thuận lợi và đỡ tốn kém. Tránh để tình trạng bệnh nặng mới đến bệnh viện, lúc đó điều trị sẽ khó khăn và kéo dài hơn nhiều. Chưa kể, bệnh có thể biến chứng nguy hiểm đến tính mạng”, chuyên gia này khuyến cáo.

Bệnh nhân SXH điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn

Về chế độ dinh dưỡng với người mắc SXH, Phó Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn cho biết, bệnh nhân SXH cần bổ sung nhiều nước, tránh ăn đồ quá chua, cay, nóng, nên ăn cháo, súp và ăn làm nhiều bữa, tuân thủ chặt chẽ chỉ định của bác sĩ.

Theo dự báo, từ nay đến hết tháng 11, tình hình bệnh SXH tiếp tục có những diễn biến phức tạp và khó lường. SXH có 4 tuýp D1-D4 nên những người đã mắc SXH vẫn có thể bị mắc tuýp khác. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, cả những người đã mắc và chưa mắc SXH cần tích cực phòng bệnh như: Tránh bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài, ngủ trong màn, dùng thuốc bôi chống muỗi, loại bỏ nơi sinh sản và trú đậu của muỗi, diệt bọ gậy...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh sốt xuất huyết: Chớ chủ quan!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.