Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng giám sát, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát

Thu Trang| 21/09/2019 06:24

(HNM) - Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các bệnh truyền nhiễm, Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BYT (thay thế Thông tư 13/2013/TT-BYT) về việc hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó bổ sung thêm 3 bệnh cần cách ly. Việc điều chỉnh, cập nhật danh sách các bệnh truyền nhiễm cần giám sát, cách ly nhằm hạn chế sự lây lan, ngăn chặn bùng phát của dịch bệnh.

Khám, tư vấn cho các bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi trung ương. Ảnh: Phạm Hùng

Nhiều dịch bệnh biến đổi khó lường

Ngoài 6 bệnh truyền nhiễm: Bạch hầu, ho gà, sởi, bệnh than, viêm màng não do mô cầu, tay chân miệng được quy định tại Thông tư 13/2013/TT-BYT, ban hành ngày 17-4-2013 về hướng dẫn giám sát bệnh truyền nhiễm, tại Thông tư 17/2019/TT-BYT có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2019, Bộ Y tế đã bổ sung thêm 3 bệnh truyền nhiễm, đó là: Thủy đậu, quai bị và rubella cần phải tổ chức cách ly y tế. Đây là những bệnh được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm B nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sự biến đổi của các loại vi rút, vi khuẩn, khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, điều kiện vệ sinh kém, kiểm soát vùng dịch còn hạn chế... là nguyên nhân phát sinh nhiều loại bệnh và sự thay đổi của cơ chế lây bệnh. Trước đây, chúng ta kiểm soát được dịch bệnh xảy ra ở một địa phương, nhưng nay, chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ dịch bệnh đã có thể lan ra các nơi khác.

Thậm chí, có những bệnh vốn không xuất hiện ở miền núi, hiện đã có mặt ở khu vực này và có những bệnh thường gặp vào mùa đông - xuân, thì nay, mùa hè cũng có nguy cơ gia tăng… Thông tư 17/2019/TT-BYT cập nhật và bổ sung thêm một số bệnh truyền nhiễm cần giám sát, cách ly được dựa theo diễn biến tình hình dịch bệnh trên thực tế và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện E, Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Bạch Mai…, mùa hè năm nay có nhiều người lớn mắc bệnh thủy đậu, trong khi đây là bệnh của mùa đông - xuân và chủ yếu gặp ở trẻ nhỏ từ 2 tuổi đến 8 tuổi. Tại Khoa Vi rút - Ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương) có 4 người trong cùng một gia đình mắc thủy đậu.

Chị K.T.L. (22 tuổi ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) mắc thủy đậu khi đang mang thai ở tuần thứ 15 chia sẻ: “Cháu gái tôi bị lây thủy đậu ở trường học. Sau đó đến anh trai và chị dâu tôi cũng bị lây bệnh từ con. Tôi là người thứ 4 trong gia đình bị lây bệnh thủy đậu”. Tương tự, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) đã ghi nhận không ít trường hợp các bà mẹ bị lây bệnh thủy đậu từ con…

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, thủy đậu là bệnh lành tính, nhưng rất dễ lây và có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng. Biến chứng nhẹ của bệnh là nhiễm trùng da nơi mụn nước và vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu, gây nhiễm trùng.

Các biến chứng nặng như: Viêm phổi, viêm não, viêm tiểu não... có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng. Vi rút gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (không khí) và tiếp xúc trực tiếp với dịch nốt mụn nước trên da. Do đó, việc giám sát, cách ly người bệnh, tránh lây lan ra cộng đồng rất quan trọng.

Cùng với thủy đậu, bệnh rubella và bệnh quai bị cũng có cơ chế lây truyền qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng có vi rút và được đưa bổ sung vào danh sách bệnh truyền nhiễm cần phải cách ly. Trong những tháng đầu năm nay, 2 bệnh này đã gia tăng ở một số nước trên thế giới. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã đưa ra cảnh báo về sự gia tăng của bệnh quai bị, khi có hơn 700 trường hợp mắc bệnh tại nước này.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, với điều kiện môi trường, thời tiết, dân cư giao lưu, đi lại lớn như hiện nay, nhiều dịch bệnh ở các địa phương khác lưu hành vào Hà Nội, dịch ở các nước cũng có thể xâm nhập vào Hà Nội. Thậm chí, nếu không giám sát, phát hiện và khoanh vùng tốt, thì sáng xuất hiện dịch bệnh ở Mỹ, chiều dịch bệnh đó đã lây lan tại Việt Nam.

Tại khu vực điều trị bệnh truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi trung ương, mỗi bệnh nhi được bố trí một giường bệnh để tránh lây nhiễm chéo.

Không tuân thủ giám sát, cách ly sẽ bị xử phạt

Bài học từ dịch sởi năm 2014, khiến hơn 100 trẻ tử vong được xác định nguyên nhân là do trẻ bị lây nhiễm chéo từ bệnh viện. Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế thường xuyên tự đánh giá, rút kinh nghiệm nhằm làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, trong đó có việc chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh từ các cửa khẩu quốc tế, tại cộng đồng và cơ sở y tế. Khi phát hiện thấy ca bệnh phải cách ly, khoanh vùng xử lý ngay, không để lây lan.

Tại Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố có 5 đội phòng, chống dịch cơ động và mỗi trung tâm y tế cấp quận, huyện, thị xã có từ 1 đến 2 đội phòng, chống dịch cơ động. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, mỗi đội phòng, chống dịch cơ động đều có bác sĩ lâm sàng, bác sĩ dịch tễ, bác sĩ phòng, chống dịch, có lái xe thường trực, có các thiết bị, máy phun tiêu độc, khử trùng trên xe. Khi nhận được thông tin có ca bệnh truyền nhiễm, đội lập tức lên đường, tiếp cận và triển khai các biện pháp giám sát, khoanh vùng, điều tra xử lý tại cộng đồng.

Ngoài ra, thành phố còn thực hiện giám sát chặt chẽ hành khách nhập cảnh qua sân bay Nội Bài, nhất là hành khách đến từ vùng có dịch bệnh. Cụ thể, bố trí máy đo thân nhiệt và lập phòng cách ly tại sân bay để sẵn sàng xử lý các tình huống nghi mắc bệnh.

Còn tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, ngành Y tế Thủ đô cũng yêu cầu thực hiện tốt công tác thu dung, phân luồng khám bệnh, thiết lập khu vực khám riêng, cách ly điều trị đối với những bệnh truyền nhiễm.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, để hạn chế tính lây lan của dịch bệnh, các địa phương cần vận động sự tham gia vào cuộc của hệ thống chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng và ý thức tự giác của mỗi người dân.

Ngay tại gia đình, khi phát hiện người mắc bệnh truyền nhiễm cần báo ngay cho cán bộ y tế tại địa bàn, tuân thủ hướng dẫn cách ly người bệnh. Ở nhà trường, khi có học sinh, cô giáo, nhân viên trường học mắc bệnh phải cách ly, vệ sinh khử khuẩn theo quy định, nhằm giảm thiểu sự hiện diện, lây lan của mầm bệnh.

“Trong quá trình kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh, nếu phát hiện cá nhân hoặc đơn vị nào cố tình giấu dịch, không tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly, chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt nghiêm theo quy định”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng giám sát, ngăn chặn dịch bệnh bùng phát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.