Theo dõi Báo Hànộimới trên

Người cao tuổi ở Việt Nam: Sống thọ nhưng không khỏe!

Thu Trang| 11/11/2019 08:56

(HNM) - Tuổi thọ của người Việt Nam ngày càng tăng, nhưng số năm sống khỏe lại ít. Do đó, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi là rất lớn. Thế nhưng, hệ thống bệnh viện lão khoa, khoa lão của các bệnh viện còn thiếu và yếu. Cải thiện hệ thống chăm sóc y tế là vấn đề cấp bách hiện nay để ứng phó trước thực trạng thọ nhưng không khỏe.

Chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi tại quận Thanh Xuân.

Thiếu bệnh viện lão khoa 

Tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Lão khoa trung ương vào thời điểm giao mùa từ thu sang đông như hiện nay, có rất đông người cao tuổi được đưa đến đây cấp cứu. Ông Đào Anh Tuấn (78 tuổi ở phố Tây Sơn, quận Đống Đa) chia sẻ: “Bị mắc cùng lúc bệnh tim mạch, đái tháo đường, suy giảm trí nhớ, nên mỗi khi thời tiết thay đổi, bệnh lại tái phát và bệnh viện trở thành ngôi nhà thứ hai của tôi. Ngay khi vào điều trị tại Khoa Lão, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, vì tuổi cao lại mang nhiều bệnh mạn tính, nên tôi được ưu tiên hơn so với các bệnh nhân khác”…

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thùy, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, người già có những đặc thù riêng về bệnh tật. Do đó, muốn quản lý điều trị tốt đối tượng này, đòi hỏi phải có sự phối hợp giữa nhiều chuyên khoa, có hệ thống chăm sóc sức khỏe lão khoa đồng bộ. Mặt khác, các bác sĩ lão khoa cũng cần được đào tạo chuyên sâu và phải có kinh nghiệm trong phối hợp điều trị, nhất là sử dụng thuốc. Thế nhưng, ngay trên địa bàn Hà Nội, ngoài Bệnh viện Lão khoa trung ương, ngành Y tế Thủ đô vẫn chưa có một bệnh viện lão khoa nào trực thuộc.

Bà Nguyễn Thị Phương Thùy cho biết, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa là cơ sở y tế đầu ngành lão khoa của thành phố, nhưng thực tế Khoa Lão của bệnh viện mới được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2016 với 40 giường bệnh, chủ yếu ưu tiên tiếp nhận điều trị nội trú cho những người bệnh từ 75 tuổi trở lên. Ngoài ra, chỉ có một số bệnh viện của thành phố thành lập được khoa lão, có đơn nguyên lão khoa, còn lại đa phần mới bố trí dành riêng một số giường bệnh phục vụ người cao tuổi.

Theo báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện lên đến 73,5 tuổi, nhưng số năm sống khỏe mạnh chỉ đạt khoảng 64 tuổi. Trung bình một người cao tuổi thường mắc 6,9 loại bệnh, chủ yếu là các bệnh mạn tính, như: Tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, xương khớp…

Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa trung ương cho rằng, việc thiếu các bệnh viện lão khoa ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Khi người cao tuổi bị ốm, họ thường không chỉ bị một bệnh, mà có tới 5-6 bệnh kèm theo. Điều đó đòi hỏi người thầy thuốc phải có kiến thức rất rộng và tốt mới đáp ứng điều trị cùng lúc đa bệnh, khác hoàn toàn việc điều trị một bệnh. “Hiện tại, bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng lão khoa đều thiếu. Thậm chí, thiếu cả người hỗ trợ, chăm sóc điều trị, nên việc chăm sóc người cao tuổi vẫn chủ yếu dựa vào người nhà bệnh nhân”, ông Nguyễn Trung Anh cho biết.

Theo ông Trần Văn Lực, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Lão khoa trung ương), ở bệnh viện của nhiều nước, nhân viên y tế hỗ trợ, chăm sóc bệnh nhân gần như toàn bộ, từ hỗ trợ điều trị, phục hồi đến hỗ trợ sinh hoạt. Nhờ đó, vừa giúp giảm tải cho bệnh viện, vừa giúp người thân của bệnh nhân không bị gián đoạn công việc. Còn ở nước ta, một người cao tuổi đến bệnh viện, luôn có từ 2 đến 3 người thân đi theo chăm sóc. Vì thế, các bệnh viện luôn đông đúc, ngột ngạt, nguy cơ gây ô nhiễm, lây nhiễm chéo… 

Củng cố chuyên khoa lão và y tế cơ sở

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm khoảng 10% dân số. Hiện tại, nước ta có khoảng 11 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030 sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người cao tuổi. Trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc củng cố hệ thống bệnh viện chuyên về lão khoa và nhân lực trong chăm sóc người cao tuổi, đồng thời tăng cường hoạt động y tế cơ sở, phát triển mô hình y học gia đình.

Điều trị cho người cao tuổi tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa. Ảnh: Xuân Lộc

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho rằng, cần đưa chuyên ngành lão khoa vào danh mục ưu tiên, triển khai quyết liệt việc thành lập khoa lão tại các bệnh viện, tổ chức phòng khám cho người cao tuổi tại các khoa khám bệnh. Cùng với đó, tăng cường đầu tư trang thiết bị, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng về lão khoa. 

Theo ông Trần Văn Lực, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Bệnh viện Lão khoa trung ương), các bệnh viện về lão khoa cần có những phòng bệnh theo đúng tiêu chuẩn cho người cao tuổi, trong đó nhà vệ sinh, nhà tắm đều phải phù hợp và đầy đủ tiện nghi, giúp các điều dưỡng thuận lợi hơn trong chăm sóc người bệnh. Không chỉ đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh tại các bệnh viện, mà còn phải tăng cường năng lực quản lý bệnh mạn tính ở người cao tuổi tại cộng đồng thông qua tuyến y tế cơ sở. Nhờ vậy, người cao tuổi sẽ được thăm khám sức khỏe định kỳ, lưu giữ hồ sơ khám bệnh, tư vấn sức khỏe thường xuyên và được tập huấn để biết cách xử lý các tình huống xảy ra đối với sức khỏe.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người cao tuổi ở Việt Nam: Sống thọ nhưng không khỏe!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.