Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bệnh tim mạch "tấn công" người trẻ

Thu Trang| 18/11/2019 06:42

(HNM) - Thực tế hiện nay, nhiều người Việt Nam dồn sự quan tâm, lo lắng cho căn bệnh ung thư. Song, đó không phải là “sát thủ” số 1, mà bệnh tim mạch mới thực sự đáng sợ. Không còn là bệnh của người cao tuổi, giờ đây bệnh về tim mạch đang ngày càng trẻ hóa. Dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động, căng thẳng, nghiện bia, rượu, hút thuốc lá… là những nguyên nhân khiến nhiều người trẻ bị bệnh tim mạch "tấn công".

Ứng dụng công nghệ cao vào điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc

“Quả bom” gây bùng phát bệnh tim

Trung bình mỗi năm nước ta có hơn 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch (chiếm 30% số ca tử vong trên cả nước), gấp đôi số người tử vong do bệnh ung thư, trong đó có nhiều bệnh nhân chưa đến 20 tuổi.

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình 10-20%/năm và ngày càng trẻ hóa. Số lượng bệnh nhân được điều trị bằng kỹ thuật can thiệp tim mạch cũng tăng trung bình 15%/năm. 

Trước đây, chủ nhân các hồ sơ bệnh án cho nhóm bệnh về tim mạch, như: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành, đột quỵ… chủ yếu là người tuổi ngoài 60, nhưng hiện nay có nhiều người trẻ nhập viện do các bệnh về tim mạch.

Khởi phát với các triệu chứng như: Đau đầu, nôn nhiều lần, ý thức chậm dần, nữ bệnh nhân Trịnh Thị Thanh T. (18 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình đưa tới Khoa Cấp cứu, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng hôn mê sâu, không có phản xạ, liệt tứ chi... Tại đây, kết quả chụp cắt lớp sọ não, mạch não cho thấy, T. bị đột quỵ, nguy cơ tử vong rất cao. May mắn, do được đưa đến bệnh viện kịp thời nên bệnh nhân đã thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Không may như T., bệnh nhân Nguyễn Ngọc D. (38 tuổi, ở quận Long Biên, Hà Nội) sau khi đau đầu dữ dội và bị ngất, chị được gia đình đưa đến Bệnh viện Bạch Mai. Đáng tiếc là chị D. đã không qua khỏi do cơn suy tim cấp. Bố chồng chị D. kể, chị không có tiền sử bệnh tim, nhưng do công việc ở ngân hàng bận rộn, nhiều áp lực khiến chị thường xuyên bị stress kéo dài…

Đề cập đến sự chuyển hướng của bệnh tim mạch khi “tấn công” người trẻ, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, bệnh lý tim mạch có thể chia thành hai nhóm chính, đó là nhóm bệnh liên quan đến bệnh lý tim bẩm sinh hoặc nhiễm trùng… và nhóm bệnh tim mạch không lây nhiễm liên quan đến bệnh lý do xơ vữa động mạch. Hiện nay, nhóm bệnh lý thứ nhất có xu hướng giảm trong khi nhóm bệnh lý thứ hai đang trở thành nguyên nhân hàng đầu về tỷ lệ người mắc cũng như tử vong.

“Lối sống công nghiệp hóa khiến con người lười vận động, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá, tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật. Thêm vào đó, tình trạng thường xuyên căng thẳng, bị áp lực trong cuộc sống, công việc… chính là “quả bom” khiến bệnh nhân tim ngày càng trẻ hóa”, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng lý giải.

Thay đổi những thói quen gây hại

Khám, điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Tim Hà Nội. Ảnh: Trần Vũ

Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm, trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch. Đáng lưu ý, tỷ lệ những người bị tăng huyết áp - tác nhân chính dẫn tới các bệnh lý về tim mạch đang gia tăng một cách nhanh chóng, đặc biệt ở những nước đang phát triển thuộc châu Á, châu Phi.

Theo khuyến nghị của WHO, chế độ ăn thừa muối tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn tới tăng huyết áp cũng như các bệnh tim mạch. Do đó, mỗi người chỉ nên tiêu thụ không quá 5g muối/ngày. Tuy nhiên, người Việt đang tiêu thụ lượng muối trung bình lên tới 9,4g/ngày và khoảng 90% người dân ăn thừa muối.

Chị Nguyễn Quỳnh Nguyên, nhân viên kinh doanh (45 tuổi, ở phố Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình, Hà Nội) kể: "Tôi vừa có chuyến du lịch đến Hàn Quốc và các món ăn ở đây đều rất nhạt để giúp người dân phòng bệnh tim mạch. Chính vì vậy, hướng dẫn viên của Việt Nam mỗi lần sang đây đều phải mang theo nước mắm để phục vụ thói quen ăn mặn của du khách Việt".

Ngoài thói quen ăn mặn, bác sĩ Trần Thị Linh Tú, Trưởng phòng Khám đa khoa (Bệnh viện Tim Hà Nội) khẳng định, tình trạng lạm dụng rượu, bia, thuốc lá đều tác động lớn đến tim mạch và ngưỡng huyết áp. Hơn nữa, kết hợp giữa hút thuốc lá và tăng huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc các tai biến tim mạch khác so với những người không hút thuốc bị tăng huyết áp. Để kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa các vấn đề về tim mạch, tốt nhất không nên hút thuốc lá và uống rượu, bia vừa phải.

Nói về sự nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, GS.TS Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam chia sẻ, nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp nên nhiều trường hợp đột tử mà trước đó 1-2 phút họ vẫn cảm thấy khỏe mạnh. Vì vậy, mỗi người nên đo huyết áp vào những thời điểm nhất định trong ngày, nhớ con số huyết áp như nhớ tuổi của mình. Bên cạnh đó, cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, như: Không ăn mặn, giảm mỡ động vật, hạn chế uống rượu, bia, giảm cân với người béo phì, nên đi bộ 30-45 phút/ngày, vận động thể lực 4-5 ngày/tuần…

Đặc biệt, cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm bệnh. Khi người bệnh có các biểu hiện bất thường, như: Khó thở, đau ngực, thay đổi huyết áp, đánh trống ngực... cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh gây những hậu quả đáng tiếc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bệnh tim mạch "tấn công" người trẻ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.