Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có tới 47% người trưởng thành bị tăng huyết áp

Trang Thu| 12/12/2019 06:38

(HNM) - Đó là thông tin được đưa ra tại tọa đàm “Tăng huyết áp - các biện pháp để giảm thiểu gánh nặng bệnh tim mạch tại Việt Nam” do Liên đoàn Tim mạch thế giới phối hợp cùng Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam và Tổ chức VinaCapital Foundation tổ chức ngày 11-12 tại Hà Nội.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học quốc gia Việt Nam cho biết, hiện nay, các bệnh không lây nhiễm, như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường đang tăng nhanh chóng. Trong đó, tim mạch là bệnh đáng lo ngại nhất. Trung bình mỗi năm trên thế giới có khoảng 17,5 triệu người tử vong vì các bệnh tim mạch, nhiều gấp 4 lần so với tổng số ca tử vong do sốt rét, HIV/AIDS và lao cộng lại.

Ở Việt Nam có nhiều yếu tố nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch, trong đó tăng huyết áp là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất gây ra tử vong. Điều đáng nói, tăng huyết áp hiện là bệnh lý phổ biến nhất trong cộng đồng, được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Thậm chí, khi biến chứng của tăng huyết áp không gây ra tử vong cũng sẽ để lại nhiều di chứng gây tàn phế, giảm sức lao động cho người bệnh.

Người có huyết áp cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh mạch vành lên 3 lần. Song tăng huyết áp mà đi kèm các yếu tố nguy cơ khác, như mỡ máu cao, hút thuốc lá, thì nguy cơ này tăng lên 16 lần. Đáng chú ý, bệnh tiến triển trong nhiều năm, người bệnh có thể sẽ không phát hiện ra triệu chứng.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, theo điều tra về tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành tại Việt Nam trước đây, cứ 4 người trưởng thành có 1 người bị tăng huyết áp (chiếm khoảng 40%). Tuy nhiên, một số nghiên cứu gần đây cho thấy, tỷ lệ tăng huyết áp ở người trưởng thành đã lên đến 47%. Thế nhưng, số người được chẩn đoán bệnh vẫn còn thấp, số bệnh nhân được điều trị còn ít. 

Trước thực tế trên, chương trình quốc gia về phòng chống bệnh tim mạch đang tập trung vào 2 vấn đề chính, đó là tăng cường truyền thông cho người dân để hiểu đúng mức độ nguy hiểm của bệnh tăng huyết áp, đồng thời tăng cường các chương trình đào tạo và đào tạo lại cho cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, cập nhật kiến thức trong phòng, chống các bệnh tim mạch nói chung và tăng huyết áp nói riêng.

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt, nguyên tắc điều trị tăng huyết áp là điều chỉnh lối sống, như: Giảm béo phì, giảm ăn muối, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá… Mặt khác, tăng cường các hoạt động thể lực ở mức độ phù hợp với người bệnh, như đi bộ khoảng 30-45 phút mỗi ngày; tránh căng thẳng thần kinh, tránh bị lạnh đột ngột.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có tới 47% người trưởng thành bị tăng huyết áp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.