Theo dõi Báo Hànộimới trên

10 sự kiện tiêu biểu năm 2020 của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh

Thu Hoài| 02/01/2021 10:24

(HNMO) – Thành công trong khoanh vùng dập dịch Covid-19; tất cả các dịch vụ hành chính công đều đạt mức độ 3-4; ứng dụng y tế thông minh… là những thành tích nổi bật của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2020.

Triển khai y tế thông minh đã giúp ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh gặt hái nhiều thành công trong năm 2020.

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh vừa công bố 10 hoạt động nổi bật của ngành trong năm 2020.

Thứ nhất là triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, bắt đầu từ ngày 23-1-2020 khi phát hiện 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên (bệnh nhân số 1 và 2, nhập cảnh từ Trung Quốc).

Sau 1 năm, tính đến ngày 30-12-2020, tổng số ca Covid-19 được xác định là 147 ca. Trong đó, có 112 ca xâm nhập từ bên ngoài (nhập cảnh), 10 ca xâm nhập trong nước, 21 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 4 ca lây nhiễm trong khu cách ly.

Đặc biệt, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã kịp thời khoanh vùng dập 2 ổ dịch lớn: Tại quán bar Buddha với 19 ca mắc; tại khu cách ly của tiếp viên Vietnam Airline với 16 ca mắc, trong đó có 4 ca bệnh lây nhiễm ra cộng đồng.

Thứ hai là huy động nguồn lực sẵn có của các bệnh viện hình thành nên các khu cách ly điều trị, xây dựng bệnh viện dã chiến phát huy hiệu quả trong công tác cách ly, điều trị người được xác định hoặc nghi nhiễm Covid-19: Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động bố trí các khu vực cách ly điều trị và sẵn sàng thu dung người bệnh, kịp thời ứng phó khi dịch bệnh lan rộng và bùng phát.

Thành phố cũng đã chủ động xây dựng 2 bệnh viện dã chiến, quy mô lên đến 900 giường bệnh nhằm phục vụ công tác cách ly điều trị Covid-19. Tính đến ngày 31-12-2020, hai bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận cách ly 693 người cách ly, người bệnh có triệu chứng viêm hô hấp cấp và chăm sóc, điều trị khỏi 117 trường hợp dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Thứ ba là hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá sự tuân thủ bộ tiêu chí do Bộ Y tế ban hành về bệnh viện an toàn và Bộ tiêu chí phòng khám an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Hiện nay, 100 bệnh viện trên địa bàn thành phố xếp mức an toàn (91,7%) và 9 bệnh viện xếp mức an toàn thấp (8,3%).

Thứ tư là tiếp nhận và tổ chức lại tất cả bệnh viện và trung tâm y tế bệnh viện quận, huyện về Sở Y tế quản lý. Tính đến ngày 1-1-2021, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn tất công tác tổ chức lại các Trung tâm Y tế và Bệnh viện quận, huyện về Sở Y tế quản lý. Như vậy, số đơn vị trực thuộc Sở Y tế hiện nay tổng cộng là 81 đơn vị (tăng thêm 42 đơn vị so với năm 2019) và tổng số nhân lực y tế công lập hiện nay là 41.866 người (tăng 13.118 người).

Thứ năm là nhiều công trình xây dựng mới của các bệnh viện thành phố đi vào hoạt động và tiếp tục được khởi công: Trong năm 2020, có 7 công trình đã hoàn thành với tổng mức đầu tư 1.285 tỷ đồng. Cùng với đó là các dự án tiếp tục được thi công trong năm 2020 (chuyển tiếp của năm 2019) với tổng mức đầu tư 9.152 tỷ đồng; 3 dự án khởi công mới trong năm 2020 với tổng mức đầu tư 1.378 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân của các công trình xây dựng ước đạt trên 95%.

Thứ sáu là triển khai khảo sát trải nghiệm của người bệnh nội trú tại tất cả bệnh viện công lập và tư nhân. Tính đến ngày 30-6-2020, tổng cộng có 81 bệnh viện trên địa bàn thành phố thực hiện khảo sát 5.470 người bệnh, trong đó có 29/30 bệnh viện tuyến thành phố, 22/23 bệnh viện quận, huyện và 31/56 bệnh viện tư nhân.

Thứ bảy là triển khai chuyển đổi số công tác quản lý nguồn nhân lực và công tác thẩm định cấp phép danh mục kỹ thuật. Tính đến ngày 31-12-2020, đã có hơn 40.000 dữ liệu về nhân viên y tế của ngành Y tế thành phố được nhập liệu, mã hóa, đưa vào hệ thống quản lý và đóng góp vào kho dữ liệu dùng chung của thành phố Hồ Chí Minh.

Thứ tám là triển khai thử nghiệm trung tâm điều hành tại Sở Y tế từ tháng 2-2020, kết nối tổng hợp số liệu tại các phòng, ban, các đơn vị trực thuộc, thu thập dữ liệu đưa ra các chỉ số báo cáo phục vụ cho công tác quản lý, điều hành.

Thứ chín là triển khai hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của ngành Y tế mức độ 3, 4. Đến nay, 100% (115/115) thủ tục hành chính công của Sở Y tế được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến ở mức độ 3 và 4.

Thứ mười là phát huy hiệu quả của ứng dụng “Y tế trực tuyến”, giúp người dân có công cụ để phản ánh đến cơ quan quản lý nhà nước về các hành vi vi phạm pháp luật khi hành nghề trong lĩnh vực y tế của các cá nhân và tổ chức.

Thời gian tối đa xử lý thông tin và công khai kết quả giải quyết không quá 24 giờ kể từ khi nhận phản ánh đối với phản ánh cấp độ 1, không quá 48 giờ đối với cấp độ 2, không quá 72 giờ đối với cấp độ 3. Đến nay, sau hơn 4 tháng triển khai, ngành Y tế thành phố đã tiếp nhận và xử lý trên 100 ý kiến phản ánh của người dân, cơ quan, tổ chức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
10 sự kiện tiêu biểu năm 2020 của ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.