Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai tháng tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân đột quỵ

Thu Trang| 13/01/2021 14:49

(HNMO) - Ngày 13-1, theo tin từ Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ trong 2 tháng kể từ khi thành lập cho đến nay, tại đây đã tiếp nhận và cấp cứu hơn 2.000 bệnh nhân đột quỵ. Như vậy, trung bình mỗi ngày, tại đây tiếp nhận khoảng 35 bệnh nhân đột quỵ.

 Bệnh nhân đột quỵ được cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai).

Điều đáng nói, có khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ là người trẻ (dưới 44 tuổi), thậm chí có trường hợp chỉ mới 14 tuổi. Phần lớn bệnh nhân nhập viện muộn và mất đi cơ hội hồi phục trong "giờ vàng" (6 tiếng từ khi khởi phát dấu hiệu đầu tiên). Nguyên nhân của việc đến viện muộn là do người trẻ thường chủ quan, không nhận diện rõ các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và không nghĩ là đột quỵ có thể xảy ra ở người trẻ tuổi.

Điển hình là trường hợp nam bệnh nhân (39 tuổi, quê ở Hưng Yên) bị đột quỵ, xuất huyết não rất nặng và tử vong. Tiến sĩ Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nam bệnh nhân này nhập viện khoảng 23h hôm trước. Khi phát hiện bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu mất ý thức, gia đình đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện gần nhà cấp cứu rồi chuyển tiếp đến Bệnh viện Bạch Mai. Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, huyết áp rất cao, lên tới 230/130. Kết quả chụp CT não cho thấy, bệnh nhân bị chảy máu não lớn.

"Ngay lập tức bệnh nhân được cấp cứu, hồi sức tích cực nhưng tình trạng rất nặng. Tình trạng chảy máu não của bệnh nhân giống như vỡ đê, bác sĩ không thể làm được gì, nếu rò rỉ nhỏ có thể can thiệp. Huyết áp quá cao sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, phù phổi cấp... Những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong. Chỉ 8 tiếng sau khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, gia đình phải xin cho bệnh nhân về. Bệnh nhân tử vong sau đó", Tiến sĩ Đào Việt Phương nói.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo, với người trẻ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ. Với người bị huyết áp cao, đái tháo đường, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì..., nên thay đổi thói quen sinh hoạt như bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng có bất thường về mạch máu cần được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa. Riêng với bệnh đột quỵ, thời gian là vàng. Chính vì vậy, bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm cơ hội hồi phục càng cao, tỷ lệ để lại biến chứng thấp đi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hai tháng tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân đột quỵ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.