Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đợt dịch này khó khăn hơn, phức tạp, khác hẳn so với Đà Nẵng

Thu Trang| 01/02/2021 17:13

(HNMO) - Chiều 1-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đồng chủ trì buổi làm việc về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Cùng dự có nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý và đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, các sở, ngành của Hà Nội.

Diễn biến dịch của Hà Nội rất nhanh

Báo cáo về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện thành phố có 19 ca mắc Covid-19, trong đó có 1 ca liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Quảng Ninh và 18 ca liên quan đến ổ dịch tại tỉnh Hải Dương. 19 ca bệnh tại Hà Nội ghi nhận tại 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Đông Anh, Mê Linh. "Những ca này đều rõ nguồn gốc dịch tễ, là những người đi từ tỉnh Hải Dương về. Những ca bệnh này xuất hiện rất nhanh, nhanh hơn những đợt dịch trước. Từ khi tiếp xúc đến khi khởi phát cũng rất nhanh, tình hình lây lan thứ phát nhanh hơn, từ F1 trở thành F0 và F2 thành F0", ông Hoàng Đức Hạnh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hoàng Đức Hạnh, từ ngày 27-1 đến nay, thành phố đã truy vết được 412 trường hợp F1 và các trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, thành phố đã đưa đi cách ly tập trung hơn 2.000 trường hợp F2.

Thành phố cũng lấy mẫu xét nghiệm của các trường hợp đi từ vùng dịch ở tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh. Đến nay, đã rà soát được hơn 15.400 trường hợp liên quan tới các ổ dịch, trong đó có hơn 14.000 người đã được lấy mẫu (chiếm 93%).

Ông Hoàng Đức Hạnh phản ánh những khó khăn trong công tác phòng dịch tại thành phố. Trước hết là vấn đề cách ly tập trung. Hiện, thành phố đang sử dụng các cơ sở cách ly của quân đội với công suất khoảng 500 người nhưng hiện đã hết chỗ cho những trường hợp thuộc diện F1. Do đó, thành phố đang tiến hành rà soát để mở lại khu cách ly tại xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) và Trường Cao đẳng công nghệ Hà Nội với công suất tối đa 3.000 chỗ. Ngoài ra, thành phố cũng khảo sát để đưa Bệnh viện dã chiến Mê Linh trở thành khu cách ly tập trung.

Về vấn đề xét nghiệm, Hà Nội đã yêu cầu 10 bệnh viện trực thuộc ngành Y tế Thủ đô cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tiến hành xét nghiệm với công suất tối đa hơn 5.000 mẫu/ngày. Tuy nhiên, với diễn biến dịch rất nhanh, nhu cầu xét nghiệm lớn, Hà Nội rất cần sự hỗ trợ của Bộ Y tế.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, qua 19 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 được ghi nhận ở Hà Nội tập trung vào 3 ổ dịch chính: Sân bay Vân Đồn có 1 trường hợp; ổ dịch thứ hai là từ Công ty Poyun (thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương) với 14 trường hợp đặc biệt với chùm ca bệnh 6 người trong một gia đình; ổ dịch thứ ba lây từ đám cưới từ tỉnh Hải Dương về Hà Nội, đến nay là 4 người.

"Quá trình lây nhiễm nhanh, có trường hợp tiếp xúc ngắn, ít nhưng về xét nghiệm dương tính luôn", ông Đặng Quang Tấn nhận định về các ca dương tính ở Hà Nội chỉ trong vài ngày qua.

Đánh giá diễn biến tình hình dịch của thành phố, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, cho rằng, trong đợt dịch này, hiện số ca mắc của Hà Nội chiếm 8% số lượng ca bệnh của cả nước. Qua xét nghiệm 431 trường hợp F1 có 385 trường hợp có kết quả. Trong những trường hợp có kết quả đã phát hiện 19 ca dương tính với tỷ lệ cao (tỷ lệ 4,8-5%). "Thời gian phát bệnh của bệnh nhân rất nhanh. Do đó, chúng tôi rất lo lắng vì nguy cơ dịch này lây lan rất cao. Biện pháp hiện nay là truy vết, cách ly, xét nghiệm triệt để, tập trung chỉ đạo các biện pháp khẩn trương", nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý nhấn mạnh.

Chu kỳ lây nhiễm hiện nay đã thay đổi

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Chúng tôi rất quan ngại với tình hình lây nhiễm dịch Covid-19 ở Hà Nội. Bởi vì đây là địa bàn có lượng người đi lại lớn, nhất là việc giao lưu từ tỉnh Hải Dương đến thành phố Hà Nội lớn, từ Hà Nội đi các địa phương khác cũng rất lớn".

Qua phân tích dịch tễ, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch lần này khó khăn hơn, phức tạp và khác hẳn so với Đà Nẵng, vì tốc độ lây nhiễm cao. Hiện chưa có giải trình tự gen, nhưng qua phân tích giải trình tự gen của vi rút này đối với ca bệnh nhiễm Covid-19 ở Nhật Bản xác định được biến chủng của SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Anh. Thực tế cho thấy, biến chủng này vừa lây nhanh, vừa có khả năng khiến bệnh tăng nặng. Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã có báo cáo cho thấy, có ca bệnh rất trẻ nhưng đã trở nặng nhanh.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, với các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4-5 ngày, nhưng lần này là chỉ 1-2 ngày. "Gần như xóa chu kỳ lây nhiễm. Hơn nữa, thời gian khởi phát của bệnh rất nhanh. Trước đây, dịch trước 5-7 ngày là thời gian ủ bệnh, đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ hai đã xuất hiện vi rút vùng hầu họng, từ đó khả năng nhân lên của vi rút và đào thải mầm bệnh lần này rất cao. Chỉ mấy ngày đã sang đến chu kỳ lây nhiễm thứ tư, điều này chúng ta phải hết sức quan tâm, quyết liệt hơn", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Một điểm đặc biệt về đợt dịch lần này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích, đó là trước đây, vi rút SARS-CoV-2 lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, vi rút lây theo đường không khí. "Thực tế, chỉ trên một xe, 10/11 người lây nhiễm", hệ số lây nhiễm rất cao, trước đây chuyên gia tính toán là 4-5 (nghĩa là 1 người có thể lây cho 4-5 người) nhưng giờ là hơn 10.

"Quá trình phân tích dịch tễ cho thấy nhiều nguy cơ dịch lây lan nên phải hành động vừa nhanh vừa quyết liệt vì nếu không thì "tốc độ lây nhiễm của vi rút nhanh hơn hành động của chúng ta", ông Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành Y tế khuyến cáo Thủ đô phải thay đổi trong phương thức và phải nâng cao hơn một mức trong ứng phó với dịch này so với trước đây. Theo đó, với đợt dịch trước đây, khoanh vùng F1 trên diện hẹp, nhưng nay, thực tế lây nhanh, nên phải thay đổi trong cách đối phó. Thứ nhất, vừa thực hiện truy vết nhưng không chờ truy vết mà phải khoanh vùng càng nhanh, càng rộng càng tốt. Trước đây, khoanh vùng hẹp (có trường hợp chỉ khoanh nhà đó và 2 căn liền kề), giờ có bệnh nhân là khoanh mạnh hơn, lấy mẫu triệt để người dân khu dân cư đó. Điều này hoàn toàn khác so với trước. Do đó, theo Bộ trưởng, lượng mẫu chỉ vài chục nghìn như thế là không đáp ứng đủ.

Phải tiến hành phong tỏa một diện rộng hơn và lấy mẫu xét nghiệm nhanh mọi người dân trong diện phong tỏa đó, khi nào âm tính thì cho dỡ giãn cách ngay khu vực đó. Nếu có ca dương tính là phải phong tỏa "cứng". "Trung ương sẽ huy động lực lượng hỗ trợ tối đa cho thành phố để tăng công suất xét nghiệm", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội đã chỉ đạo rất quyết liệt nhưng tinh thần là phải nhanh hơn, quyết liệt hơn trong công tác xét nghiệm. Vì vậy, ngay sau buổi họp này, UBND thành phố sẽ yêu cầu đơn vị liên quan xây dựng ngay Chỉ thị tiếp theo để tăng cường tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn. Thành phố cũng đã có 5 đoàn kiểm tra do các đồng chí Thường trực Thành ủy làm Trưởng đoàn với tinh thần gõ từng nhà trong công tác chống dịch, yêu cầu sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy, chính quyền chống dịch.

Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao Bộ Y tế đã cử 12 đơn vị phối hợp với Hà Nội hỗ trợ xét nghiệm trên 40.000 mẫu cho thành phố. Chủ tịch thành phố mong muốn tiếp tục có sự hỗ trợ của các chuyên gia của các đơn vị của Bộ Y tế để truy vết các trường hợp mắc bệnh.

Tiếp thu các ý kiến của Bộ Y tế, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh cho biết, thành phố sẽ nâng cao năng lực xét nghiệm, tăng cường đầu tư năng lực điều trị để nhanh nhất kiểm soát được tình hình dịch bệnh, quyết liệt phối hợp với Bộ trong công tác xét nghiệm.

Ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, ngày 1-2, Bộ Y tế đã có văn bản chính thức giao 12 đơn vị hỗ trợ Hà Nội thực hiện xét nghiệm cho 40.000 mẫu, gồm: Đại học Y Hà Nội (5.000 mẫu), Trường Đại học Y tế công cộng (2.000 mẫu), Bệnh viện Bạch Mai (2.000 mẫu), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương (4.000 mẫu), Bệnh viện Nhi trung ương (5.000 mẫu), Bệnh viện Phổi trung ương (3.000 mẫu), Bệnh viện 103 (2.000 mẫu), Bệnh viện Quân đội trung ương 108 (2.000 mẫu), Viện Y học dự phòng quân đội (3.000 mẫu), Trung tâm nhiệt đới Việt Nga (5.000 mẫu), Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương (5.000 mẫu), Chi cục Thú y vùng 1 (2.000 mẫu).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đợt dịch này khó khăn hơn, phức tạp, khác hẳn so với Đà Nẵng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.