Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày 8-3 sẽ bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam

Theo PV (Vietnam+)| 05/03/2021 12:23

Những người được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại cuộc họp sáng 5-3. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết dự kiến đến ngày 8-3 (thứ hai), những liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca đã được nhập về sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Tại cuộc họp thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 5-3, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thông tin những vấn đề liên quan đến việc tiếp cận, sử dụng các nguồn vắc xin phòng Covid-19 được nhập khẩu về.

Việc bảo đảm đủ vắc xin rất khó khăn

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, hiện nay khi nhu cầu vắc xin lớn, nguồn cung của thế giới hạn chế, nhiều nước sẵn sàng mua dưới dạng kỳ vọng, thậm chí có hơn 30 nước đăng ký mua vắc xin gấp nhiều lần nhu cầu thực tế.

Việc bảo đảm đủ vắc xin rất khó khăn. Bên cạnh đó, đây là những vắc xin mới phát triển, chưa có nghiên cứu đủ lâu để khẳng định chất lượng, hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, quan điểm của Bộ Y tế là bên cạnh việc mua vắc xin từ nước ngoài, phải tập trung nghiên cứu, sản xuất, chủ động bằng nguồn vắc xin trong nước.

Trước đó, ngày 24-2, hơn 117.600 liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca đã về tới Việt Nam. Sau những cuộc làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, chúng ta đã có giấy kiểm định chất lượng lô vắc xin xuất xưởng. Sau đó, Bộ Y tế đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vắc xin này. Đến nay, vắc xin trên đã bảo đảm điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam.

Theo kế hoạch, ngày mai (6-3), Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ chủ trì hội nghị triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, tập huấn toàn tuyến trên toàn quốc trong vấn đề hướng dẫn tiếp nhận, sử dụng, bảo quản vắc xin, cũng như xử lý tai biến sau tiêm…

Theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, việc phân bổ vắc xin trên được ưu tiên trước hết tại 18 cơ sở đang điều trị bệnh nhân Covid-19 (những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân); các đối tượng theo Nghị quyết 21; các vùng dịch (tập trung cho 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương…) do lượng vắc xin lần này quá ít so với nhu cầu thực tế.

Những người được tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khỏe điện tử, có chứng nhận điện tử đã được tiêm vắc xin.

Những liều vắc xin phòng Covid-19 của AstraZeneca đã được nhập về Việt Nam. Ảnh: PV/Vietnam+

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin thêm: Phải khẳng định việc tiêm vắc xin không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vắc xin của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vắc xin AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí.

Nghị quyết nêu rõ: Cơ chế mua vắc xin thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt, quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Theo Nghị quyết, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương có liên quan thực hiện việc mua, nhập khẩu, tiếp nhận viện trợ, tài trợ, quản lý và sử dụng vắc xin phòng Covid-19 trong năm 2021 cho người từ 18 tuổi trở lên: Số lượng khoảng 150 triệu liều.

Bộ trưởng Bộ Y tế căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch, quyết định số lượng vắc xin cụ thể cần mua, nhập khẩu theo từng giai đoạn. Cơ chế mua vắc xin thực hiện mua sắm trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013.

Nghị quyết quy định đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí gồm 9 đối tượng:

+ Lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: Người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ Covid-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); quân đội; công an.

+ Nhân viên, cán bộ ngoại giao của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.

+ Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước…

+ Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.

+ Người mắc các bệnh mạn tính, người trên 65 tuổi.

+ Người sinh sống tại các vùng có dịch.

+ Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.

+ Người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.

+ Các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng, chống dịch.

Về địa bàn, trong Nghị quyết cũng nêu rõ: Ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng nêu trên ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch.

Căn cứ khả năng cung ứng vắc xin, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày 8-3 sẽ bắt đầu tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.