Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối lo từ thuốc đông y trên mạng xã hội

Nhóm phóng viên| 18/03/2021 06:10

(HNM) - Sử dụng chiêu bài thổi phồng công dụng chữa bách bệnh của các loại thuốc đông y tự chế…, nhiều “thần y” đã bắt bệnh, bán thuốc rầm rộ trên mạng xã hội. Tin vào những lời quảng cáo "có cánh", nhiều người đã phải chịu hậu quả nặng nề. Dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo về hệ lụy khi khám, chữa bệnh trên mạng xã hội, nhưng mối lo vẫn còn đó khiến nhiều người rước họa vào thân.

Người tiêu dùng cần cân nhắc kỹ trước khi mua các loại thuốc không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Ảnh: Đỗ Tâm

Suýt chết vì... mua thuốc online

Thời gian gần đây, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nội tiết trung ương đã tiếp nhận 3 bệnh nhân đái tháo đường tự ý mua thuốc Nam, thực phẩm chức năng được quảng cáo kiểm soát đường huyết cấp tốc trên mạng xã hội. Sau một thời gian dùng thuốc, 3 người này đã phải nhập viện trong tình trạng cơ thể suy kiệt, đường huyết tăng cao. Thậm chí, có trường hợp bệnh tiến triển nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Đơn cử như trường hợp bệnh nhân nam 64 tuổi (ở Hà Nội), mắc bệnh đái tháo đường 3 năm, tăng huyết áp 2 năm kèm biến chứng bệnh thận mạn giai đoạn 2 nhưng đã tự ý bỏ đơn thuốc do bác sĩ chỉ định, thay vào đó dùng thuốc đông y rao bán trên mạng xã hội. Sau 22 ngày uống, bệnh nhân phù toàn thân, khó thở, hoa mắt chóng mặt, đau tức ngực. Khi bệnh nhân vào viện đã trong tình trạng suy hô hấp, tràn dịch đa màng, màng tim, màng phổi... May mắn, nhờ được cứu chữa kịp thời nên bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Tương tự, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 55 tuổi (ở tỉnh Bắc Giang) trong tình trạng cổ chân sưng to, đau nhức, đi lại khó khăn sau khi sử dụng thuốc đông y mua trên mạng xã hội.

Là nạn nhân của việc mua thuốc đông y trên mạng xã hội, ông Trần Văn Yên, đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) kể lại, cách đây 6 tháng, đi khám tại bệnh viện, ông được bác sĩ chẩn đoán ung thư sỏi mật phải phẫu thuật. Tuy nhiên, ông không thực hiện theo chỉ định của bác sĩ mà tự uống thuốc đông y mua trên mạng xã hội Facebook. Sau 1 tháng sử dụng, ông bị những cơn đau bụng hành hạ nên phải nhập viện và bác sĩ đã phải chỉ định phẫu thuật ngay vì sỏi đã gây tắc nghẽn đường dẫn mật. 

Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân nhiễm độc do sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc, tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn).

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Hiện nay, trên các trang Facebook, Zalo... nhan nhản quảng cáo bán các loại thuốc chữa bệnh thần kỳ. Ví như, Facebook “Chữa ung thư bằng Nam y” quảng cáo bệnh sẽ biến mất chỉ sau 6 tháng uống thuốc; hoặc Facebook của lương y Vy Văn Chiến với lời quảng cáo: Phá nát từng viên sỏi dù là 5, 10 hay 20mm... Trước thông tin này, bác sĩ Đỗ Đình Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn khuyến cáo, mọi người khi có vấn đề về sức khỏe thì nên đến khám, chữa bệnh ở những cơ sở y tế đã được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Nếu sử dụng thuốc đông y phải có nguồn gốc, được kiểm định rõ ràng vì thực tế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều bằng chứng về việc trong thuốc đông y có trộn thành phần thuốc Tây, khi dùng lâu ngày có thể gây tác dụng phụ bất lợi. 

Bác sĩ Nguyễn Công Bình, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nội tiết trung ương) lưu ý, người bệnh cần tỉnh táo, tránh dùng các sản phẩm thuốc đông y không rõ nguồn gốc, không được cấp phép đang rao bán tràn lan trên mạng xã hội.

Về nguy hại của việc tự ý mua và sử dụng thuốc đông y trên mạng xã hội, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho biết, thực trạng này rất nguy hiểm vì hầu hết người bán không có chuyên môn và chỉ chạy theo lợi nhuận. Chưa kể, thuốc đông y trôi nổi, không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, thậm chí còn bị ngâm tẩm hóa chất độc hại để chống mốc, chống nấm..., khiến người bệnh có thể nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Trong mọi trường hợp, việc sử dụng thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.

Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo trên môi trường mạng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Thanh Liêm cho biết, hoạt động quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng ngoài tuân thủ quy định về cung cấp thông tin trên môi trường mạng còn phải bảo đảm các quy định của ngành Y tế về quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt tại Luật Quảng cáo 2012; Luật An toàn thực phẩm 2010... Năm 2020, Sở đã xử phạt 4 tổ chức, cá nhân với số tiền 87,5 triệu đồng do vi phạm quy định của Luật Quảng cáo như: Quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng với nội dung xác nhận của Cục An toàn thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh... Thời gian tới, Sở sẽ tăng cường hơn nữa quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng nói chung, quảng cáo các sản phẩm thuốc nói riêng, kịp thời phát hiện, phối hợp các đơn vị liên quan để xử lý các sai phạm theo quy định.

Mối họa từ việc mua, bán thuốc đông y trên mạng xã hội tồn tại đã lâu và gây nhiều bức xúc cho xã hội. Do đó, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng thì mỗi người dân cũng phải nâng cao nhận thức, không tiếp tay cho những "thần y" này. Chỉ khi kết hợp nhiều giải pháp thì mối lo về thuốc đông y trôi nổi trên mạng xã hội mới dần được loại trừ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối lo từ thuốc đông y trên mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.