Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vấn đề cốt lõi của cải cách hành chính là nâng cao trách nhiệm công vụ

Cù Xuân Trường| 01/04/2013 05:57

(HNM) - Tại hội nghị giao ban của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội với các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành trên địa bàn thành phố về công tác cải cách hành chính mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhận định: Cải cách hành chính (CCHC) là một yêu cầu khách quan, là quá trình khắc phục mọi lực cản trong hệ thống bộ máy tổ chức, trong cơ chế vận hành và những hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý điều hành của bộ máy nhà nước. Những lực cản đó bắt nguồn từ cơ chế, chính sách chồng chéo, không phù hợp và đặc biệt là từ chính bản thân những con người nằm trong bộ máy đó.

Cũng tại hội nghị này, Bí thư Thành ủy đã kể một câu chuyện rất đáng để suy nghĩ: Bí thư kiêm Đô trưởng thành phố Vientiane có gửi một thư chúc mừng tôi và Chủ tịch UBND TP Hà Nội dịp Quốc khánh và kỷ niệm quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Lào, khi Sở Ngoại vụ trình đến tôi để có thư cảm ơn thì chỉ thiếu đúng 1 ngày là tròn 1 tháng. Hỏi ra thì Văn phòng UBND TP chậm 22 ngày, Sở Ngoại vụ chậm 8 ngày… Qua câu chuyện này có thể thấy bệnh quan liêu, công văn giấy tờ vẫn chưa thuyên giảm. Sau nhiều năm CCHC, vấn đề mang tính thời sự này vẫn "nóng bỏng", thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Thủ tục hành chính là một loại quy phạm pháp luật quy định trình tự về thời gian, về không gian khi thực hiện một thẩm quyền nhất định của bộ máy nhà nước, là cách thức giải quyết công việc của các cơ quan nhà nước trong mối quan hệ với các cơ quan, tổ chức và cá nhân công dân. Nền hành chính nhà nước (nền hành chính công) là tổng thể các tổ chức và định chế hoạt động của bộ máy hành pháp có trách nhiệm quản lý công việc hằng ngày của Nhà nước do các cơ quan công quyền tiến hành bằng các văn bản dưới luật nhằm thực thi chức năng quản lý nhà nước giữ gìn bảo vệ quyền lợi công và phục vụ nhu cầu hằng ngày của dân trong mối quan hệ giữa công dân và Nhà nước. CCHC có thể hiểu một cách chung nhất là làm cho hệ thống trở nên hiệu quả hơn, chất lượng các thể chế nhà nước đồng bộ, khả thi, đi vào cuộc sống, cơ chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ làm việc trong các cơ quan nhà nước đạt hiệu quả, hiệu lực cao hơn. Cái đích của CCHC là xây dựng một nền hành chính không có mục đích tự thân, mà chỉ có mục đích phục vụ nhân dân, giữ gìn trật tự, kỷ cương của xã hội, của chế độ. Thông qua đó, nền hành chính tác động tích cực đối với đời sống kinh tế và đời sống xã hội.

Từ những khái niệm nêu trên, có thể thấy quan hệ giữa nền hành chính và người dân là quan hệ tương hỗ. Cán bộ, công chức - những "công bộc của nhân dân" có trách nhiệm quản lý công việc của Nhà nước, giữ gìn bảo vệ quyền lợi công và phục vụ nhu cầu của nhân dân trên cơ sở những quy định của pháp luật. Ở nhiều nước phát triển trên thế giới, thủ tục hành chính được đơn giản một cách tối ưu, còn đội ngũ công chức có tính chuyên nghiệp cao, có đủ trình độ, có kỹ năng để triển khai những quyết định hành chính. Còn ở nước ta, chuyên nghiệp và ý thức chuyên nghiệp trong thực thi công vụ vẫn đang còn yếu, thậm chí yếu kém. Tâm lý "xin phép" và hành động theo mệnh lệnh đã dẫn đến tình trạng bị động, lúng túng trước các vấn đề phát sinh trong cuộc sống khiến công việc bị ách tắc. Đáng nói hơn là sự cố tình nhầm lẫn giữa quyền lực và trách nhiệm công vụ, cộng với thói tiểu nông "ông đưa chân giò, bà thò chai rượu " cùng với cơ chế xin - cho đã tạo ra một môi trường không lành mạnh, "hành dân". Biểu hiện rõ nhất là "văn hóa phong bì", tệ nạn "bôi trơn" trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Hệ lụy là nảy sinh đủ loại cò, đủ loại "trợ lý" ăn rơi ăn vãi trong xã hội. Phí "bôi trơn" quá lớn dẫn tới chi phí đầu tư tăng cao, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa không đủ "tiềm lực" để đeo đuổi, mất cơ hội kinh doanh, đầu tư.

Sự "méo mó" của một bộ phận không nhỏ trong đội ngũ thực thi công vụ làm suy yếu hệ thống quản lý nhà nước, làm mất sức cạnh tranh trong thời buổi khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường. Với Hà Nội, trong rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, hoàn toàn có thể nhận định rằng: Chính sự yếu kém và cửa quyền hoặc vô trách nhiệm của một bộ phận công chức đã góp phần làm cho Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 của Thủ đô tụt hạng - xếp thứ 51/63 tỉnh, thành (giảm 15 bậc so với năm 2011). Chỉ số PCI là một "tấm gương" để mỗi ban, ngành của thành phố soi lại công việc của chính mình để đánh giá những ưu điểm, nhược điểm.

CCHC là một khâu đột phá để xây dựng nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Cải cách thủ tục hành chính là cắt bỏ những quyền lực gây cản trở, nhũng nhiễu, làm rối loạn bộ máy hành chính. Do vậy, CCHC không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà quan trọng hơn là góp phần tích cực xây dựng bộ máy hành chính nhà nước trong sạch vững mạnh, đáp ứng lòng tin yêu của người dân, doanh nghiệp. Thực tế, vận hành bộ máy hành chính luôn là khâu yếu của các quốc gia đang phát triển, là một lực cản trong phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, CCHC không đơn giản bởi liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt là công tác cán bộ.

Bên cạnh những căn bệnh trầm kha, những vấn nạn của giới công chức do cơ chế, do sự tham lam của mỗi con người sinh ra như thói cửa quyền, nhũng nhiễu, những biểu hiện vô cảm, đùn đẩy né tránh công việc… thì năng lực thực thi công vụ của cán bộ, công chức từ lâu đã trở thành vấn đề nổi cộm, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội và cả trên nghị trường Quốc hội. Trình độ yếu kém của một bộ phận cán bộ, công chức trong công tác quản lý, tham mưu, hoạch định… đã dẫn đến tình trạng sai phạm ngay trong văn bản quy phạm pháp luật, nhiều chính sách vừa ban hành đã phải sửa đổi, hoặc hiệu lực thực thi không cao. Hệ lụy là sự mất lòng tin của doanh nghiệp và người dân đối với hệ thống quản lý nhà nước. Tình trạng này có nhiều nguyên nhân, đội ngũ cán bộ, công chức được đào tạo, bồi dưỡng (thậm chí "bắt buộc" để hoàn thiện hồ sơ tiêu chuẩn) nhưng nặng về lý luận chung chung, thiếu thực tiễn nên bằng cấp nhiều nhưng không đủ năng lực thực thi nhiệm vụ. Nhiều người không hiểu quy trình làm việc, hoặc nếu hiểu thì bớt xén quy trình. Không có đủ năng lực tự giải quyết công việc, không ý thức được trách nhiệm công vụ, nhiều cán bộ, công chức làm việc theo kiểu nhìn trước, ngó sau, đoán ý cấp trên, liên kết thành "nhóm lợi ích" để gây khó dễ, làm chậm lại quá trình thực hiện công việc. Đó là chưa kể kể một bộ phận "không nhỏ" và "ở các cấp" (nêu trong Nghị quyết Trung ương 4) có tham ô, tham nhũng gây dư luận xấu trong nhân dân.

Bất cứ loại hình tổ chức hành chính công nào cũng cần đến những người làm tốt công việc của mình với kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc. Vì thế, để vận hành bộ máy hành chính thật sự hiệu quả, việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là công tác cán bộ vì "Cán bộ là dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy, toàn bộ máy cũng tê liệt". Để đẩy mạnh công cuộc CCHC, bên cạnh việc phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, vấn đề ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ công chức, bởi cốt lõi của CCHC là cải cách về tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Vậy, đổi mới để xây dựng một đội ngũ công chức chuyên nghiệp, có trách nhiệm và đủ trình độ thực thi công vụ phải bắt đầu từ đâu? Có cần bắt đầu từ chính hệ thống cơ quan hành chính hiện nay. Có nhận định cho rằng chỉ khoảng 30% cán bộ, công chức làm việc có hiệu quả cao, khoảng 30% hiệu quả có mức độ, còn lại là không tạo ra sản phẩm gì… Với cấp xã, có tới 40% cán bộ, công chức chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quy định. Trong một cuộc hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thừa nhận: "Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào". Để CCHC thật sự mang lại hiệu quả, vấn đề trước hết là tinh giảm bộ máy vốn "cồng kềnh" như chúng ta vẫn nói và đã nói từ rất lâu. Đã đến lúc Nhà nước và nhân dân không thể tiếp tục bỏ tiền nuôi "báo cô" số công chức "không có cũng được", đặc biệt là những cán bộ, công chức không xứng đáng với vai trò "công bộc của nhân dân". Nếu không làm lành mạnh hóa bộ máy hành chính, không thể tạo động lực phát triển.

Làm cho thủ tục hành chính trở nên gọn nhẹ, dễ tiếp cận, dễ thực hiện và mang lại lợi ích chính đáng cho người dân, cho doanh nghiệp là đòi hỏi bức bách của thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập. CCHC là yêu cầu cấp thiết cũng là tiền đề để xây dựng một nền hành chính công chuyên nghiệp, hiện đại, vận hành thông suốt và hiệu quả. Kỷ cương hành chính là rường cột, là đòn bẩy để thúc đẩy sự vận động đi lên của xã hội và là yếu tố không thể thiếu với bất kỳ chủ thể hành chính nào. "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh". Giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh CCHC, siết chặt kỷ cương hành chính đều hướng tới một mục đích chung là phục vụ người dân tốt hơn và đây cũng là yêu cầu của một nền hành chính hiện đại.

Quá trình CCHC, nâng cao chất lượng thực thi công vụ cho cán bộ, công chức là công việc phức tạp, khó khăn, nhiều điều chưa thành công và chắc chắn sẽ gặp những vướng mắc, nhưng đó là công việc phải làm và phải làm "đến đầu, đến đũa". Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở chúng ta: "Sau tám mươi năm bị áp bức bóc lột và dưới chính sách ngu dân của thực dân Pháp, các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm chúng ta ngại, chúng ta vừa làm vừa học. Chắc chắn chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm…".

Có những điều mọi người đều biết nhưng không ai nói ra vì những lý do chủ quan, khách quan, thậm chí vì quyền lợi cá nhân. Việc Hà Nội tổ chức một hội nghị lớn với sự tham gia của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các sở, ban, ngành; các quận, huyện, thị xã thể hiện sự thẳng thắn nhìn nhận trong đội ngũ về những điều làm được và chưa làm được trong công tác CCHC thời gian vừa qua. Đồng thời thể hiện quyết tâm xử lý những yếu kém nhằm nâng cao chất lượng phục vụ của bộ máy hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, thực sự của dân, do dân và vì dân… Điều này thêm một lần khẳng định trách nhiệm trước nhân dân của một tập thể lãnh đạo tiền phong, gương mẫu. Đây cũng là một trong nhiều việc mà Hà Nội đã và đang làm nhằm tiếp tục thực hiện tự phê bình và phê bình gắn với tiếp tục sửa chữa yếu kém khuyết điểm sau kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay".

Hy vọng rằng Hà Nội sẽ đưa ra những giải pháp mang tính khả thi cao để giảm tải phiền hà, trợ giúp doanh nghiệp, mang lại sự thuận tiện và niềm tin cho nhân dân; đồng thời xử lý mạnh mẽ những biểu hiện tham ô, nhũng nhiễu, vi phạm trật tự kỷ cương, triệt để loại bỏ những nhân tố gây rối loạn hệ thống hành chính. Nếu làm được điều đó, trong công cuộc cải cách còn nhiều cản trở chông gai này, Hà Nội chắc chắn sẽ có thêm nhiều thành tựu, đặc biệt trong Năm kỷ cương hành chính - 2013, xứng đáng với vai trò, vị trí là Thủ đô của cả nước, đồng thời cùng với cả nước xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, làm tiền đề thực hiện mục tiêu đến năm 2020, đưa Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vấn đề cốt lõi của cải cách hành chính là nâng cao trách nhiệm công vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.