Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ôn lại lịch sử để nhận thức rõ giá trị của hòa bình

Nguyên An| 27/04/2015 05:58

(HNM) - 40 năm đã trôi qua kể từ ngày Chiến thắng vĩ đại 30-4-1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Lịch sử là những sự kiện nối tiếp nhau, như con sóng sau trùm lên con sóng trước, nhưng có những sự kiện không bao giờ được phép lãng quên. Hôm nay, sau 40 năm đã trôi qua, lớp trẻ nghĩ gì về sự kiện lịch sử mùa Xuân năm 1975? Điều gì làm cho lớp trẻ ngày nay hiểu rõ giá trị của hòa bình mà các em đang được hưởng?

Trong chiều dài lịch sử dân tộc, ngày 30-4-1975 là một cột mốc vĩ đại. Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc chiến tranh vĩ đại chống đế quốc Mỹ xâm lược, tạo ra một bước ngoặt đặc biệt đối với đất nước, mở ra một kỷ nguyên mới đối với nước ta - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Nhìn lại lịch sử, tính từ khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam đến năm 1975, đất nước ta đã trải qua hơn một thế kỷ chiến tranh liên miên để giải phóng dân tộc. Trong suốt 117 năm đó, đất nước ta gần như không có một ngày yên bình, máu xương các thế hệ người Việt Nam liên tục đổ xuống. Sau 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954) thắng lợi, đất nước vẫn chưa có hòa bình thực sự, hai miền vẫn còn chia cắt. Và phải đằng đẵng 21 năm chiến tranh chống Mỹ với những mất mát đau thương tận cùng, đất nước ta mới hoàn toàn giải phóng, dân tộc ta mới độc lập trọn vẹn.

Với chiến thắng 30-4-1975, non sông thu về một mối, Tổ quốc liền một dải, vĩ tuyến 17 chỉ còn là chứng tích của một thời chia cắt… Vì thế, ngày 30-4-1975 còn là ngày hòa hợp toàn dân tộc, ngày mà mọi người dân Việt Nam được sum vầy dưới một mái nhà chung… Chiến thắng ấy là thành quả lớn lao trước hết đến từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ với việc đề ra đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, sáng tạo. Chiến thắng lịch sử này là kết quả của tình yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường và ý chí thống nhất đất nước của quân và dân ta, một đội quân chính nghĩa khát khao hòa bình. Chiến thắng 30-4-1975 là thành quả của nghệ thuật quân sự Việt Nam - kết hợp giữa truyền thống đánh giặc giữ nước với các hình thái chiến tranh hiện đại, đặc biệt là những sáng tạo độc đáo trong việc tiến hành chiến tranh nhân dân. Trong đó, lực lượng vũ trang nhân dân gồm ba thứ quân là bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích được xây dựng vững mạnh, bố trí rộng khắp với vai trò nòng cốt của các binh đoàn chủ lực để thực hiện hiệp đồng tác chiến. Đó là hình thái chiến tranh không chỉ người lính mà mọi người dân - tự ý thức về trách nhiệm của mình đối với đất nước, tự giác, tự nguyện cầm vũ khí và sẵn sàng cống hiến, hy sinh không chỉ ở chiến trường mà ở khắp nơi, ở hậu phương, trong lòng địch, ở nước ngoài… Chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng của những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới chống cuộc chiến tranh bạo tàn của đế quốc Mỹ, hoặc bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân dân Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ... Vì vậy, một Việt Nam nhỏ bé, có tương quan thua kém hàng trăm lần về khoa học - kỹ thuật, phương tiện, khí tài… so với kẻ thù, mà vẫn chiến thắng. Nói tóm lại, bao trùm lên tất cả, chiến thắng 30-4-1975 là chiến thắng vĩ đại của lòng yêu nước sâu sắc, khát khao hòa bình, độc lập tự do cháy bỏng!

Việt Nam là một dân tộc yêu hòa bình, chuộng hòa hiếu nhưng "Kẻ thù buộc ta ôm cây súng". Chiến tranh không bao giờ là ngày hội nhưng một thời, đường ra trận mùa này đẹp lắm, chính là bởi vì yêu hòa bình nên cả nước lên đường. Để đi tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, các thế hệ người Việt Nam đã không tiếc máu xương; lớp lớp thanh niên không tiếc tuổi thanh xuân, sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường ra trận. Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, đã có khoảng 3 triệu người Việt Nam ngã xuống. Riêng Thủ đô Hà Nội có khoảng 65.000 liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Chiến tranh gắn liền với sự khốc liệt, với máu xương đổ xuống, với nước mắt của mất mát, chia ly. Những hệ lụy của chiến tranh đến nay vẫn còn day dứt. Trong số hàng nghìn người ngã xuống, có những người hy sinh trong thầm lặng, không một ai biết đến, hàng nghìn liệt sĩ đến nay vẫn chưa có tên trên bia mộ. Và nhiều gia đình trong cả nước hiện vẫn chưa có thông tin gì về con em mình. Không chỉ vậy, với những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, những di hại vẫn kéo dài đến mấy thế hệ… tạo ra những gánh nặng dai dẳng cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất. Nhắc nhớ lại như vậy để thấy rõ hơn giá trị của hòa bình hôm nay. Và nhắc nhớ như vậy cũng để thấy rõ hơn sự vĩ đại của chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975.

Để có được hòa bình, chúng ta phải đánh đổi bằng xương máu. Để bảo vệ hòa bình, để có độc lập tự do chúng ta sẵn sàng chiến đấu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn. Đấy là tinh thần, là ý chí của mọi người Việt Nam biết bao thế hệ.

Những ngày này, các hoạt động hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức chu đáo, trang trọng với nhiều hình thức như tổ chức tri ân người có công với cách mạng… nhằm tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, về tầm vóc vĩ đại, giá trị to lớn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giá trị vô giá của hòa bình. Không ai được phép lãng quên lịch sử. Lịch sử phải được ghi nhớ, những hy sinh, cống hiến dù nhỏ nhất cũng phải được ghi nhận. Chính bởi vậy, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ là một yêu cầu quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy không ít vấn đề đáng báo động. Đấy là sự thờ ơ của giới trẻ với lịch sử nước nhà. Sự thờ ơ không chỉ thể hiện ở thực trạng nhiều người trẻ biết đến những Võ Tắc Thiên, Địch Nhân Kiệt, Càn Long… nhiều hơn những anh hùng dân tộc như Bà Triệu, Hai Bà Trưng, hay những chiến thắng vĩ đại trong ba lần kháng chiến chống quân Nguyên, cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Lê Lợi, cuộc hành binh thần tốc đập tan 28 vạn quân Thanh của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ… Sự thờ ơ với lịch sử còn thể hiện ở kết quả bết bát môn học lịch sử những năm gần đây của học sinh… Giáo dục truyền thống, lịch sử cho lớp trẻ không chỉ thể hiện lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, sự tri ân sâu sắc đối với công lao, sự hy sinh, cống hiến của cha ông, mà còn để lớp trẻ thêm hiểu, thêm yêu đất nước và hiểu rõ hơn nữa giá trị của hòa bình hôm nay. Có rất nhiều cách để nâng cao nhận thức của giới trẻ về lịch sử nhưng để lịch sử đến được với lớp trẻ một cách tự nhiên thì không thể dừng lại ở những bài học khô cứng. Một trong những giải pháp hiệu quả là phục dựng, nghiên cứu, phổ biến lịch sử qua tất cả các loại hình văn hóa, nghệ thuật… để mỗi một giai đoạn lịch sử, mỗi sự kiện đều được "tái hiện" một cách sống động, có sức hút.

Nếu ai đó coi thường lịch sử, tất yếu sẽ không có tương lai. Nếu ai đó thờ ơ với lịch sử, xuyên tạc lịch sử, tất yếu là kẻ vong bản và sẽ mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc. Thế hệ sinh trước ngày 30-4-1975 một thời gian ngắn và các thế hệ sinh ra sau năm 1975 may mắn không trải qua tận cùng ác liệt của chiến tranh bởi cha anh đã hy sinh xương máu để có hòa bình. Hạnh phúc là ở đó. Nhưng "mặt trái" của sự may mắn này là chưa trải nghiệm chiến tranh nên nhiều người ít quý trọng hòa bình. Bởi vậy nên ngày nay việc giáo dục về truyền thống, về lịch sử, về mất mát đau thương của ông cha trong các cuộc chiến tranh vệ quốc càng trở nên cần thiết. Hiểu được sự khốc liệt, đau thương mất mát của chiến tranh, giới trẻ mới nhìn nhận rõ giá trị của hòa bình.

Tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, ý chí thống nhất Tổ quốc đã làm nên chiến thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử. Các thế hệ đi trước đã làm tròn sứ mệnh đối với dân tộc, với đất nước. Nếu như nói chiến thắng vĩ đại này mở ra bước ngoặt đặc biệt đối với đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do hoàn toàn, tạo nền tảng vững chắc cho sự nghiệp phát triển đất nước, thì nhiệm vụ của thế hệ hôm nay và mai sau là xây dựng một Việt Nam cường thịnh, sánh vai với các quốc gia trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ôn lại lịch sử để nhận thức rõ giá trị của hòa bình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.