Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

Hà Linh| 15/05/2022 06:37

(HNM) - Hàng triệu tỷ đồng đã được các ngân hàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vay ưu đãi kể từ khi xảy ra đại dịch Covid-19, bằng việc giảm lãi suất, giãn nợ, khoanh nợ, cho vay mới... Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Mặc dù nền kinh tế đã dần trở lại bình thường trong những tháng đầu năm 2022, nhưng hệ thống ngân hàng vẫn đang tiếp tục triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn từ ngân hàng đã giúp nhiều doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty TNHH Ngọc Dần (huyện Thanh Trì). Ảnh: Quang Thái

Đáp ứng vốn cho phục hồi sản xuất, kinh doanh

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 4-2022, tín dụng ngân hàng tăng 6,75% so với cuối năm 2021. Đây là tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhiều năm qua, chủ yếu do nhu cầu vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp tăng.

Mặt bằng lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây sẽ tác động tới lãi suất cho vay nhưng khả năng sẽ khó tăng mạnh do Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện tốt việc kiểm soát lãi vay, như duy trì chính sách tiền tệ mở rộng, giữ nguyên các lãi suất chính sách ở mức thấp kỷ lục kể từ tháng 10-2020, chỉ đạo thực hiện các giải pháp hỗ trợ tín dụng và điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng nỗ lực giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm trong thời gian tới, tiếp tục hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước các chi nhánh tỉnh, thành phố đều có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường để góp phần giữ ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát. Theo thống kê, tổng mức miễn, giảm lãi suất của các ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp ước tính lên đến 1,5 tỷ USD. Lũy kế từ đầu dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ hơn 620.000 tỷ đồng.

Nhờ những chính sách hỗ trợ từ ngân hàng, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giám đốc Công ty TNHH Giầy Hồng Phúc (quận Hà Đông) Phùng Mạnh Tuyên cho biết, thủ tục vay vốn khá nhanh chóng, chưa đến một tuần, giúp công ty có dòng tiền duy trì sản xuất và trả lương cho người lao động kịp thời. Dưới góc độ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, theo Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Delta (quận Đống Đa) Trần Đức Nghĩa, trong bối cảnh giá xăng, dầu đang leo thang, việc giảm lãi suất cho vay góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhanh chóng phục hồi.

Nhiều chương trình hỗ trợ

Thực tế, hầu hết các ngân hàng thương mại cũng liên tục đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban Điều hành Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Nguyễn Thanh Tùng thông tin, từ cuối tháng 2-2022 đến nay, Vietcombank đã triển khai sản phẩm dịch vụ phi tín dụng lãi suất đặc biệt thấp, với quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng. Đối với khách hàng lẻ, từ cuối tháng 3-2022, Vietcombank triển khai chương trình ưu đãi lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất, kinh doanh với quy mô lên tới 130.000 tỷ đồng. “Vietcombank đang triển khai các giải pháp ổn định lãi suất cho vay; tiếp tục các đợt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất trong năm 2022”, ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin thêm.

Tương tự, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng nhận định, lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp có thể giảm 0,2-0,4%/năm, tùy tình hình từng doanh nghiệp. OCB cố gắng tạo điều kiện tối đa để giảm lãi suất cho khách hàng trên cơ sở tiết giảm các chi phí vốn và đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước đang triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong giai đoạn 2022-2023, tương đương với quy mô dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi. Đây là giải pháp kết hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất (khoảng 40.000 tỷ đồng) cho các ngân hàng thương mại để cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Ông Đào Minh Tú cũng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô cũng như bảo đảm giá trị đồng tiền, quản lý tốt thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Trong điều hành hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung vốn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ cho những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 và hướng dòng tiền vào các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Cùng với đó, tạo điều kiện khai thác tối đa những nguồn lực trong nền kinh tế thông qua các tổ chức tín dụng để góp phần thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi kinh tế.

Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,8% trong quý II và tăng 14,1% trong cả năm 2022. Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động cũng được dự báo tiếp tục duy trì không đổi hoặc tăng nhẹ 0,03-0,06% trong quý II và 0,13-0,18% trong năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.