Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng tăng lãi suất: Có đáng ngại?

Hà Linh| 28/12/2018 06:44

(HNM) - Đúng như dự đoán, thời điểm cuối năm, lãi suất huy động VND không ngừng biến động theo chiều hướng tăng, nhất là đối với các kỳ hạn dài.

Lãi suất huy động VND không ngừng biến động theo chiều hướng tăng khiến nhiều doanh nghiệp và người dân không khỏi lo lắng.Ảnh: Nhật Nam


“Sóng” lãi suất khá mạnh

Thời gian gần đây, “sóng” lãi suất trên thị trường được đánh giá là khá mạnh. Việc điều chỉnh lãi suất huy động VND không chỉ diễn ra ở những ngân hàng thương mại có quy mô nhỏ, mà cả ở ngân hàng thương mại nhà nước. Lãi suất được điều chỉnh đối với cả kỳ hạn ngắn lẫn kỳ hạn dài, nhưng mạnh nhất vẫn là các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Nếu như vài tháng trước, lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn dài chỉ khoảng 6,5%-8%/năm, thì hiện nay, mức này đã ở ngưỡng phổ biến 8,5%-8,7%/năm, thậm chí là 8,9%/năm nếu tính sau khi ngân hàng áp dụng các gói sản phẩm, chương trình cộng thêm lãi suất. Mặc dù không phải toàn bộ hệ thống đều tăng lãi suất huy động VND, nhưng việc một số ngân hàng điều chỉnh, trong đó có cả ngân hàng lớn đã tạo áp lực cho các ngân hàng còn lại.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trung tuần tháng 12-2018, lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng: 4,5-5,5%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng: 5,5-6,5%/năm; trên 12 tháng: 6,6-7,3%/năm. Như vậy, mức lãi suất bình quân của cả hệ thống ngân hàng tăng so với trước, kéo theo mặt bằng lãi suất cho vay VND lên 6-9%/năm đối với ngắn hạn; 9-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Không chỉ vậy, thị trường liên ngân hàng cũng nhộn nhịp hơn trước, bởi lãi suất cũng có chiều hướng tăng. Cụ thể, lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng tăng từ 0,02-0,09%/năm lên 4,85-5,18%/năm.

Trên thực tế, “sóng” lãi suất đã bắt đầu diễn ra từ 2 tháng trước, nhưng đặc biệt từ cuối tháng 11 đến nay, đà tăng lãi suất nhanh hơn. Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), cuối tháng 11-2018 công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới tăng 0,5% cho các kỳ hạn 6-12 tháng, lên 7,7-7,8%/năm. Đối với các kỳ hạn dài hơn, lãi suất tăng thêm 0,6-0,7%/năm so với trước, nên mức cao nhất mà ngân hàng này đang áp dụng là 8%/năm cho các khoản tiền gửi trên 10 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng.

Đối với Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), lãi suất huy động cao nhất là 8,2%/năm với kỳ hạn 6 tháng, dành cho khách hàng vừa gửi tiết kiệm, vừa mua bảo hiểm. Nhiều ngân hàng khác cũng vào cuộc đua tăng lãi suất, nhưng mức độ khác nhau, vì vậy cùng ở các kỳ hạn dài, lãi suất giữa các ngân hàng có thể chênh nhau lên đến 1-1,5%/năm.

Không tác động nhiều đến lãi suất cho vay

Thực tế, việc tăng lãi suất vào thời điểm cuối năm mang tính chu kỳ và có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng chứ không chỉ vào thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Theo chuyên gia kinh tế, luật sư - Tiến sĩ Bùi Quang Tín, việc tăng lãi suất vào giai đoạn cuối năm không quá bất ngờ, bởi nhu cầu vốn thường tăng mạnh vào thời điểm này. Lãi suất tiết kiệm tăng, nhất là ở kỳ hạn trung, dài hạn, là do quy định của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1-1-2019, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm xuống còn 40%. Để có đủ nguồn vốn dài hạn phục vụ cho khách hàng, các ngân hàng buộc phải tăng lãi suất hút vốn kỳ hạn dài. Mặt khác, càng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn kinh doanh của khách hàng càng lớn. Đó là chưa kể tỷ giá của VND so với USD đang có áp lực tăng khiến các ngân hàng phải đẩy lãi suất VND ở mức cao, nhằm hạn chế việc khách hàng rút VND để mua USD găm giữ...

Tuy nhiên, việc các ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động sẽ không gây ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất cho vay của cả hệ thống ngân hàng hiện nay. Bởi, lãi suất huy động tăng cao chủ yếu ở các ngân hàng nhỏ, còn các ngân hàng lớn chỉ tăng nhẹ, thanh khoản VND trên thị trường không có biểu hiện căng thẳng.

Ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Eliss - doanh nghiệp kinh doanh thiết bị công nghiệp ở Hà Nội cho biết, đến nay, doanh nghiệp chưa nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay từ ngân hàng. Tuy nhiên, làn sóng tăng lãi suất huy động đang diễn ra ở nhiều ngân hàng, nên doanh nghiệp cũng lo ngại về khả năng lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới.

Liên quan đến lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì việc áp trần lãi suất. Thị trường vốn chưa đáp ứng được nhu cầu vốn cho nền kinh tế và ngân hàng vẫn là kênh cung ứng chủ lực, nên việc áp trần lãi suất là cần thiết để bảo đảm an toàn hoạt động tiền tệ. Ngoài ra, số lượng ngân hàng nhiều, chất lượng chưa đồng đều, nên trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng giúp giữ ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tín dụng. Trên thực tế, từ năm 2011, trước diễn biến bất ổn của thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi với VND các kỳ hạn. Thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã gỡ bỏ các quy định, chỉ còn áp trần lãi suất với tiền gửi bằng VND dưới 6 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng tăng lãi suất: Có đáng ngại?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.