Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm 2019, dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 14%

Hương Thủy| 07/01/2019 11:39

(HNMO) - Tính đến tháng 12-2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016.


Thông tin trên được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tại họp báo triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2019 diễn ra ngày 7-1 tại Hà Nội do Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chủ trì.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chủ trì buổi họp báo.


Theo NHNN, năm 2018, cơ quan quản lý này đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54% và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%- cao nhất trong 11 năm trở lại đây. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2017.

Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng. Mặt bằng lãi suất của các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2018 về cơ bản ổn định; lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung-dài hạn khoảng 9-11%/năm.

Việc điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với cân đối vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, gắn liền với nâng cao chất lượng, tập trung tín dụng vào sản xuất kinh doanh, tín dụng đối với các lĩnh vực rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo hoạt động an toàn. Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm và trải đều qua các tháng, tín dụng đến cuối năm 2018 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2017. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực; trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Cùng với đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thông suốt, NHNN tiếp tục mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước. Trong năm 2018, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường, có điều kiện bổ sung dự trữ ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản đảm bảo, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu mua-bán ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

Đáng chú ý, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, mặc dù thời gian triển khai chưa dài nhưng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã đi vào cuộc sống, tạo được nhiều chuyển biến tích cực.

Ước tính đến cuối tháng 12-2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. 1,89% được ghi nhận là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay.

Bước sang năm 2019, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong nước và quốc tế, điều hành chủ động, linh hoạt, thận trọng, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng theo định hướng đề ra.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2019, dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 14%.


Mục tiêu trên tương đương mức tăng của năm 2018. Trong đó, tín dụng tiếp tục được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên. Cùng với tăng trưởng tín dụng, việc kiểm soát rủi ro cũng được chú trọng. Trong năm 2018, định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 17% nhưng đến cuối năm tín dụng tăng 14%.

Theo Phó Thống đốc, mức tăng này là phù hợp và cho thấy các kênh đầu tư của nền kinh tế ngày càng hiệu quả hơn. Cơ cấu tín dụng tiếp tục có sự điều chỉnh tích cực; trong đó tín dụng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát ở mức hợp lý.

Về việc lãi suất huy động VND tăng trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hồng cho hay, thường vào cuối năm nhu cầu về vốn gia tăng. Vì vậy, tổ chức tín dụng cân đối nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất ổn định. “Nếu quan sát kỹ, trong những tháng đầu năm mặt bằng lãi suất giảm, cuối năm lãi suất tăng để bảo đảm thanh khoản. So với thời điểm đầu năm, lãi suất ở mức tương đương”, Phó Thống đốc nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2019, dự kiến tăng trưởng tín dụng khoảng 14%

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.