Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng Nhật Bản sắp từ bỏ công cụ giao dịch tồn tại hơn 1 thế kỷ

Theo Hà Linh/Báo Tin tức| 12/03/2019 09:50

Thời gian tới, các ngân hàng Nhật Bản sẽ bỏ quy định khách hàng phải sử dụng con dấu cá nhân hanko để mở tài khoản ngân hàng hoặc rút tiền. Truyền thống sử dụng hanko đã hình thành tại Nhật Bản từ hơn một thế kỷ trước.

Các ngân hàng tại Nhật Bản vẫn yêu cầu khách hàng sử dụng hanko để mở tài khoản, rút tiền. Ảnh: Bloomberg


Kể từ những năm 1800, việc sử dụng con dấu cá nhân hanko trong giao dịch tiền tệ cơ bản đã nằm trong quy định tại Nhật Bản.

Hãng Bloomberg (Mỹ) cho biết, ngày nay Nhật Bản vẫn yêu cầu sử dụng hanko trong hợp đồng, giấy tờ hôn nhân, sở hữu nhà…

Gần đây, các ngân hàng tại Nhật Bản đã tạo điều kiện để khách hàng chuyển tiền hoặc thanh toán qua điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng thay vì hanko làm bằng gỗ.

Công nhân xây dựng 24 tuổi Tomoyuki Shiraishi làm việc tại Kurashiki chia sẻ: “Thật phiền phức khi phải mang theo hanko và làm việc giấy tờ chỉ để rút tiền tại chi nhánh ngân hàng”.

Nhiều ngân hàng tại Nhật Bản đã hướng tới loại bỏ giấy tờ thủ tục rườm rà để đẩy mạnh hiệu quả thu hút thế hệ trẻ.

Thay đổi này nằm trong chủ trương của chính quyền Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe số hóa các dịch vụ chính phủ.

Mỗi năm ngành sản xuất hanko thu về 1,5 tỷ USD. Các bậc phụ huynh thường mua hanko thủ công cho con cái họ, du khách thì mua hanko làm quà lưu niệm…

Hanko du nhập vào Nhật Bản từ thời đại Kamakura (1185-1333) và phổ biến rộng rãi từ thời Edo (1603-1868). Ngày nay, người dân Nhật Bản thường mang theo 3 loại hanko là jitsuin cho các hợp đồng như mua nhà, ginkoin dành cho giao dịch ngân hàng và mitomein dành cho những công việc đơn giản như ký nhận giao hàng.

Hanko bằng gỗ thủ công có thể bán với giá 20.000 yen trong khi loại bằng cao su là rẻ nhất và có giá 100 yen.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng Nhật Bản sắp từ bỏ công cụ giao dịch tồn tại hơn 1 thế kỷ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.