Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý thuế doanh nghiệp xuyên biên giới: Giải pháp nào để không thất thu?

Việt Nga| 25/05/2019 07:31

(HNM) - Quản lý doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới như Facebook, Google là vấn đề khá

Quản lý doanh nghiệp hoạt động xuyên biên giới như Facebook, Google là vấn đề khá "đau đầu" với các cơ quan chức năng.


Theo Công ty Nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, doanh thu quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam khoảng 550 triệu USD. Trong đó, Facebook, Google chiếm 66,7% thị phần, tương ứng với Facebook là 235 triệu USD, Google 152 triệu USD, còn lại là của các doanh nghiệp cung cấp nền tảng số trong nước như VCCorp, VNG... Mặc dù kiếm doanh thu “khủng”, nhưng Google, Facebook không chịu nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, không những thế lại đẩy nghĩa vụ đóng thuế cho đối tác trong nước.

Bên cạnh nguyên nhân là cả hai doanh nghiệp này chưa thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, thì chúng ta cũng chưa có các quy định pháp luật để thu thuế với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới này. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ trong nước không những bị thu thuế ở mức cao, mà phải chịu sự quản lý nội dung nghiêm ngặt, vì vậy vô hình trung các chính sách quản lý đang áp dụng bị coi là “bảo hộ ngược” cho doanh nghiệp nước ngoài.

Tại "Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho biết, thuế thu nhập doanh nghiệp và VAT tại Việt Nam đang áp dụng rất cao. Cụ thể, doanh nghiệp công nghệ trong nước phải chịu mức thuế dao động 15-20% doanh thu, không phải 15-20% tính trên lợi nhuận như ở nhiều nước áp dụng. Vì vậy, cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách thuế trên quan điểm coi ngành kinh tế nội dung số trong nước là ngành kinh tế trọng điểm và “đánh” thuế để phát triển.

Trong phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ: "Chúng ta là nước có chủ quyền, luật lệ, lực lượng trong tay, do vậy không để kéo dài tình trạng bảo hộ ngược. Phải tiến tới việc bất kỳ doanh nghiệp nào đến Việt Nam làm ăn cũng phải tuân thủ luật pháp".

Về việc này, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT-TT), nhiều quốc gia đã xây dựng văn bản luật cho phép thu được thuế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xuyên biên giới trên lãnh thổ nước mình. Việt Nam chỉ cần căn cứ, tham khảo kinh nghiệm từ quốc tế để áp dụng.

Cụ thể, Na Uy thu thuế các doanh nghiệp không thành lập cơ sở thường trú (gọi là văn phòng đại diện) tại nước này cung cấp dịch vụ kỹ thuật số với mức thuế giá trị gia tăng (VAT) 25% kể từ năm 2011. Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 1-1-2015 áp dụng quy định thuế mới liên quan đến giao dịch cung cấp dịch vụ kỹ thuật số xuyên biên giới. Hàn Quốc, từ ngày 1-7-2015, thu thuế VAT với các giao dịch kỹ thuật số xuyên biên giới là 10%. Nhật Bản, áp dụng thuế tiêu thụ 8% với các doanh nghiệp kinh doanh kỹ thuật số từ ngày 1-10-2015...

Đề xuất cụ thể với cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Trinh Thiết, Trưởng phòng Chính sách (Công ty cổ phần VNG) cho biết, cơ quan thuế nên xây dựng hệ thống khai thuế trực tuyến giản đơn, cho phép doanh nghiệp nội dung số nước ngoài có thể tự khai, tự nộp. Thứ hai, cần quy định thống nhất mức thuế suất thuế VAT cho doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, dựa trên tham khảo từ việc thu thuế từ nước ngoài. “Công bằng về thuế VAT là bước đầu tiên, quan trọng nhất trong tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, để doanh nghiệp yên tâm tập trung kinh doanh, phát triển kinh tế quốc gia” - ông Nguyễn Trinh Thiết nhấn mạnh.

Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế), ngành Thuế đã bổ sung 3 nội dung vào Luật Quản lý thuế sửa đổi (do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 5-2019). Cụ thể: Quản lý thuế với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử; bổ sung quy định các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp dịch vụ không có cơ sở thường trú ở Việt Nam có nghĩa vụ đăng ký thuế, kê khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam; quy định về hóa đơn, chứng từ.

Ngoài ra, một giải pháp được đưa ra là cần sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại trong việc nắm bắt, thống kê các số lượng giao dịch, doanh thu để cơ quan nhà nước quản lý và thu được thuế.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý thuế doanh nghiệp xuyên biên giới: Giải pháp nào để không thất thu?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.