Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng

Hà Linh| 13/07/2019 08:14

(HNM) - Với vai trò là "xương sống" của nền kinh tế, 6 tháng đầu năm 2019, mặc dù hệ thống ngân hàng không tăng trưởng quá cao, song chính sách tiền tệ được đánh giá là đi đúng hướng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bám sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng. Đồng thời, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Giao dịch tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.    Ảnh: Mạnh Hùng

Có thể kiểm soát được lạm phát

Theo ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất ổn định, với lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng phổ biến ở mức 6-9%/năm với ngắn hạn, 9-11%/năm với trung - dài hạn. Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế đan xen những thuận lợi, khó khăn, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành linh hoạt tỷ giá trung tâm, phù hợp với diễn biến thị trường, các cân đối vĩ mô... Với việc triển khai nhiều giải pháp, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng tốt, với mức tăng 7,33%. Cơ cấu tín dụng có sự điều chỉnh tích cực, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đều trong tầm kiểm soát.

Cùng với đó, công tác cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cũng được đẩy mạnh. Ông Nguyễn Trọng Du, Phó Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước cho biết: "Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu, tạo cơ sở quan trọng để duy trì, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, chất lượng tín dụng được cải thiện; quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tăng...".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng khẳng định: "Các giải pháp điều hành vĩ mô, đặc biệt là về chính sách tiền tệ đã đi đúng hướng, kiểm soát được lạm phát. Chúng ta đã “neo” giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát ở mức thấp, nên lạm phát cơ bản 6 tháng đầu năm bình quân là 1,87%. Điều đó cho thấy, điều hành chính sách tiền tệ giữ được ổn định các chỉ số và nền tảng vĩ mô. Với giải pháp điều hành như vậy, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành và chỉ đạo của Chính phủ, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đã đặt ra”. 

Kiên trì mục tiêu ổn định chính sách

Đánh giá về công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, tốc độ tăng của tổng phương tiện thanh toán và tăng trưởng tín dụng phù hợp với tốc độ tăng GDP của cả nước. Điều đó cho thấy các yếu tố thị trường tiền tệ phản ánh tương đối đồng nhất với tốc độ tăng trưởng kinh tế trong các tháng đầu năm 2019. Tăng trưởng tín dụng thời gian qua hợp lý để các ngân hàng thương mại có điều kiện tiếp tục tái cơ cấu, dành nhiều nguồn lực để điều chỉnh lại cơ cấu nguồn vốn, cũng như cơ cấu cho vay theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.

Thực tế cho thấy, một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Quốc tế (VIB), An Bình (ABBANK), Hàng Hải (Maritime Bank)... đã bắt đầu nâng mức lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn dài để cơ cấu lại nguồn vốn trung và dài hạn. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo siết chặt cơ cấu cho vay mua bất động sản và giới hạn ở phân khúc bất động sản tầm trung, không nhằm vào phân khúc nhà ở cao cấp, hay mục đích đầu cơ. Như vậy, chính sách tiền tệ cũng đang góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, định hướng thị trường phát triển ở các lĩnh vực phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân, bảo đảm ổn định xã hội.

Vì vậy, khi thị trường chịu những tác động không thuận lợi do thiên tai, dịch bệnh, nhưng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, hay du lịch, dịch vụ phục vụ tiêu dùng của người dân ảnh hưởng ít. “Ngân hàng Nhà nước thông qua chính sách tín dụng đã định hướng để doanh nghiệp, nhà đầu tư tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, phục vụ đời sống của người dân. Điều này góp phần góp phần ổn định mặt bằng giá cả ở nhiều nhóm hàng, giúp ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô”, ông Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Võ Trí Thành phân tích: "Ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì lạm phát ở mức tương đối thấp là điểm sáng của bức tranh kinh tế. Kết quả này cho thấy Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn kiên định trong công tác điều hành khi sử dụng tương đối linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để vừa giữ được sự ổn định của lãi suất, vừa không tạo thêm áp lực lên lạm phát".

Vấn đề đáng quan ngại đối với công tác điều hành trong các tháng còn lại của năm 2019 là tập trung vào việc thâm hụt thương mại có thể quay trở lại. Nhìn tổng thể, áp lực lên tỷ giá là có, nhưng không quá lớn như năm trước. Bởi, các nước đều tạm dừng, hoặc bắt đầu ít nhiều nới lỏng chính sách tiền tệ...

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng trọng tâm nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng đi đôi với nâng cao chất lượng. Đồng thời, mở rộng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đề ra, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách tiền tệ đang đi đúng hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.