Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cảnh báo cho vay tiêu dùng trá hình

Tiến Thành - Hà Linh| 16/11/2019 07:24

(HNM) - Hình thức cho vay tiêu dùng thông qua nền tảng trực tuyến trên internet như các trang web, ứng dụng trên điện thoại di động thông minh để kết nối nhà đầu tư với cá nhân có nhu cầu vay vốn xuất hiện ngày càng nhiều. Trước thực tế này, các cơ quan chức năng đưa ra cảnh báo người dân cần thận trọng vì hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có nguy cơ tạo điều kiện cho “tín dụng đen” hoành hành...

Người dân trước khi vay tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ, lựa chọn tổ chức tín dụng có uy tín.

Tiềm ẩn nhiều biến tướng

Một trong những hình thức cho vay tiêu dùng tín chấp hoặc thế chấp thông qua nền tảng trực tuyến khá phổ biến là cho vay ngang hàng (peer-to-peer lending hoặc viết tắt là P2P). Hình thức cho vay này mới du nhập vào nước ta nhưng đã có hàng chục trang web như: tima.vn, doctordong.vn, huy dong.com, canvaytien.info… tham gia hoạt động.

Các trang web này có vai trò trung gian, thông qua công nghệ thông tin để làm cầu nối giữa người cho vay và người cần vay. Toàn bộ quá trình đăng ký, thẩm định, cho vay… đều qua mạng internet. Theo thống kê của Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), hiện nay có khoảng hơn 70 công ty hoạt động theo mô hình P2P.

Ngoài ra, còn xuất hiện hình thức cho vay tiêu dùng thông qua các ứng dụng di động. Người muốn vay chỉ cần tải ứng dụng (app) vay tiền về điện thoại di động thông minh, đăng ký thông tin cá nhân và gửi yêu cầu vay. Nếu được chấp thuận, chỉ vài giờ sau, tiền sẽ được gửi vào tài khoản cá nhân.

Theo Trung tá Lê Mạnh Đông, Phó Đội trưởng Đội Phòng ngừa, đấu tranh án trong lĩnh vực kinh tế tài chính (Phòng Cảnh sát Kinh tế, Công an thành phố Hà Nội), cho vay thông qua các ứng dụng di động là một dạng “tín dụng đen” bằng công nghệ, hầu hết đang hoạt động trái phép.

Cho vay tiêu dùng thông qua nền tảng trực tuyến có thể góp phần tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính cho các cá nhân. Tuy nhiên, hình thức này lại tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Chị Hoàng Thị Hồng (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) cho biết, chị đã vay 18 triệu đồng với lãi suất ghi là 2,99%/tháng, dù đã trả được 7 tháng (1 triệu đồng/tháng) nhưng số nợ vẫn còn gần 14 triệu đồng. Chị khiếu nại với bên cho vay thì mới vỡ lẽ bị tính lãi suất theo dư nợ ban đầu chứ không phải theo dư nợ giảm dần, nên lãi suất thực là gần 4%/tháng. Với lãi suất đánh lừa này, khi người vay phản ứng, nhiều đối tượng cho vay đã sử dụng hình thức đòi nợ kiểu “xã hội đen”, gây mất an ninh trật tự xã hội.

Cũng là nạn nhân của hình thức cho vay tiêu dùng thông qua ứng dụng di động, anh Nguyễn Tâm (phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) cho hay, do không trả được nợ đúng hạn, lại bị đe dọa nên phải vay gói nợ sau để trả gói nợ trước, số tiền nợ lên tới hàng chục triệu đồng dù số vay ban đầu chỉ 4 triệu đồng.

Tháng 9-2019 vừa qua, Công an thành phố Hồ Chí Minh đã triệt phá đường dây cho vay nặng lãi qua mạng do người nước ngoài cầm đầu. Các đối tượng người Trung Quốc đã lập các ứng dụng như BDong, VDong, Udong...; sau đó quảng cáo về hình thức cho vay tiền qua ứng dụng này trên điện thoại di động. Số tiền công ty cho vay từ 1,2 đến 4 triệu đồng trong 6 ngày (lãi suất mỗi ngày là 4%).

Với những người không chịu trả tiền, các đối tượng sẽ gọi điện đe dọa hoặc đăng thông tin người nợ lên mạng xã hội để gây áp lực.

Cần hoàn thiện cơ sở pháp lý

Phó chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra, Giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Trọng Du phản ánh, các hình thức tín dụng thông qua nền tảng trực tuyến đang ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng mọi cách như treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, tin nhắn, núp bóng các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính…

Trung tá Lê Mạnh Đông cũng cho rằng, cho vay thông qua nền tảng trực tuyến có nguy cơ rủi ro rất lớn. Một số đối tượng lợi dụng mô hình này để thực hiện hành vi bất hợp pháp như hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp… Từ đó đặt ra nguy cơ tác động tiêu cực tới cuộc sống người dân, gây mất ổn định an ninh kinh tế và xã hội.

Để cảnh báo về tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân cẩn thận với loại hình cho vay P2P. Mặt khác, các tổ chức tín dụng cần thận trọng hơn trong việc ký kết và thực hiện các thỏa thuận hợp tác với các công ty cho vay ngang hàng, tránh rủi ro và không ảnh hưởng đến hoạt động, uy tín của tổ chức tín dụng, cũng như uy tín, an toàn của hệ thống tài chính quốc gia.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước cũng sửa đổi quy định về hoạt động, biện pháp, chế tài đối với 16 công ty tài chính đang cho vay tiêu dùng nhằm tổ chức lại hoạt động theo hướng minh bạch, lãi suất phù hợp, không để các đơn vị này có cơ hội tiếp tay cho “tín dụng đen”.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (MCredit) Hoàng Minh Tuấn cho hay, để đẩy lùi “tín dụng đen” và các hoạt động cho vay tiêu dùng trá hình thông qua nền tảng trực tuyến trên internet, cơ quan quản lý cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty tài chính mở rộng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa nhằm tiếp cận khách hàng.

Theo Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an thành phố Hà Nội), nắm bắt hoạt động cho vay thông qua nền tảng trực tuyến tiềm ẩn nhiều rủi ro, Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này để đề xuất, kiến nghị cơ quan quản lý chấn chỉnh kịp thời.

Bên cạnh đó, Công an thành phố khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay vốn thì nên lựa chọn những ngân hàng, tổ chức tín dụng có uy tín, những cơ sở được cấp phép, có trụ sở rõ ràng…; không nên tin vào những lời quảng cáo “tô hồng” của các đối tượng, tránh để “tiền mất, tật mang”.

Về các hình thức "tín dụng đen" lãi suất "cắt cổ" núp bóng hình thức cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng xuất hiện thời gian gần đây, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, đó là những quảng cáo không minh bạch. Ngoài ra, lãi suất đưa ra quá cao so với thực tế, thậm chí, nhiều đối tượng cho vay hoạt động dưới hình thức cầm đồ để cho vay nặng lãi, vượt xa mức trần 20% theo quy định.

Nguy hiểm hơn, nhiều đối tượng núp bóng cho vay ngang hàng để trốn thuế, rửa tiền, huy động tài chính đa cấp khiến cả người cho vay, đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp.

Ngân hàng Nhà nước khuyến khích người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng, chính thống để không bị rơi vào bẫy lừa đảo "tín dụng đen".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo cho vay tiêu dùng trá hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.