Theo dõi Báo Hànộimới trên

Năm thứ 5 liên tiếp Afghanistan sản xuất hơn 6.000 tấn thuốc phiện: Vấn nạn đáng báo động

Thùy Dương| 23/11/2021 06:44

(HNM) - Báo cáo mới đây của Liên hợp quốc cho biết, sản lượng thuốc phiện của Afghanistan đã vượt mốc 6.000 tấn trong năm thứ 5 liên tiếp. Thực tế này gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ Afghanistan trở thành trung tâm buôn bán ma túy toàn cầu. Hậu quả lớn của vấn nạn đáng báo động này là việc ma túy sẽ tạo nguồn lực tài chính cho các nhóm khủng bố, thánh chiến phát triển.

Diện tích trồng cây thuốc phiện tại Afghanistan đã tăng nhiều lần kể từ năm 2001.

Afghanistan là nước sản xuất thuốc phiện lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 87% sản lượng toàn cầu, chủ yếu được bán khắp châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á. Theo Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), ước tính Afghanistan đã sản xuất 6.800 tấn thuốc phiện vào năm 2021, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp khi con số này vượt mốc 6.000 tấn. Số thuốc phiện thu hoạch có thể tinh chế được 300 tấn hêrôin nguyên chất.

Báo cáo của Liên hợp quốc chỉ rõ: “Thu nhập từ thuốc phiện ở Afghanistan lên tới khoảng 1,8-2,7 tỷ USD vào năm 2021. Tuy nhiên, số tiền thực tế còn lớn hơn gấp nhiều lần thông qua các chuỗi cung ứng ma túy bất hợp pháp bên ngoài Afghanistan”. Nguồn thu này hiện chiếm tới 11% tổng sản phẩm quốc nội của Afghanistan. Diện tích đất được giao cho sản xuất cây thuốc phiện đã mở rộng từ 8.000ha năm 2001 lên 224.000ha vào năm 2020.

Sau khi Taliban tiếp quản Afghanistan vào tháng 8-2021, các nhà lãnh đạo của lực lượng này cho biết họ sẽ chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện, nhưng đến nay vẫn chưa có chính sách nào hiện thực hóa chủ trương này. Thực tế, vài năm qua, hầu hết hoạt động sản xuất thuốc phiện ở Afghanistan đều nằm dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của Taliban. Ước tính sơ bộ cho thấy, Taliban có thể đã tạo ra khoảng 60% thu nhập, tương đương 400 triệu USD mỗi năm từ việc buôn bán ma túy...

Theo tờ Guardian (Anh), trong cuộc phỏng vấn ngày 16-11, Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, Taliban không có kế hoạch ngăn chặn hoặc xóa sổ việc trồng cây thuốc phiện. 

Ông Mujahid nói: “Người dân của chúng tôi đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế, do đó việc ngăn chặn nguồn thu nhập duy nhất của người dân không phải là một ý kiến hay”. Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối diện với khủng hoảng, đẩy hàng triệu người vào cảnh đói kém, các quan chức Taliban ở miền Nam Afghanistan cho rằng không có giải pháp thay thế nào khả thi cho nông dân. Thậm chí, tại huyện Marja của tỉnh Helmand, việc trồng cây thuốc phiện tiếp tục được mở rộng.

Các chuyên gia nhận định, bằng cách tuyên bố không dung thứ cho hoạt động sản xuất và buôn bán ma túy, Taliban đang cố gắng thuyết phục thế giới rằng quốc gia Tây Nam Á này không còn được coi là nơi sản xuất thuốc phiện, để có thể tiếp cận với các nguồn viện trợ quốc tế quan trọng.

Dẫu vậy, với các lệnh trừng phạt của Mỹ, Afghanistan đã bị cắt hàng tỷ USD hỗ trợ. Washington cũng đã chặn quyền truy cập của Taliban vào tài sản của Chính phủ Afghanistan trong các ngân hàng Mỹ và Cục Dự trữ liên bang Mỹ, đồng thời buộc Quỹ Tiền tệ quốc tế làm điều tương tự. Do đó, chuyên gia Jonathan Goodhand của Đại học SOAS London (Anh) cho biết: “Ma túy có thể là một con bài mặc cả của Taliban với cộng đồng quốc tế”.

Thực tế, Mỹ đã chi gần 9 tỷ USD từ năm 2002 đến 2017 để chống lại hoạt động sản xuất, buôn bán thuốc phiện của Afghanistan. Nhưng kết quả là, diện tích trồng cây thuốc phiện đã tăng gấp nhiều lần. Các nguồn tin cao cấp trong Bộ Kiểm soát ma túy Pakistan cho biết, trong tháng 9-2021, hơn 4 tấn thuốc phiện và các chất ma túy khác (trị giá 626 triệu USD) đã bị thu giữ từ các khu vực giáp biên giới với Afghanistan. 

Các nhà quan sát cho rằng, nếu Mỹ không dẫn đầu một cộng đồng quốc tế nhằm ngăn chặn sản xuất, buôn bán thuốc phiện tại Afghanistan, thì vấn nạn này sẽ ngày càng hoành hành. Lo ngại hơn, thuốc phiện sẽ tạo nguồn lực tài chính giúp các nhóm khủng bố, thánh chiến có cơ hội phát triển trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm thứ 5 liên tiếp Afghanistan sản xuất hơn 6.000 tấn thuốc phiện: Vấn nạn đáng báo động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.