Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ai Cập: Cuộc khủng hoảng chưa dừng

Trung Hiếu| 30/01/2013 07:25

(HNM) - Cuộc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đang lan rộng khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt lo ngại. Những ngày qua, đụng độ đẫm máu giữa người biểu tình chống chính phủ và lực lượng an ninh tại ba tỉnh Port Said, Suez và Ismailia khiến hơn một nghìn người thương vong đã đe dọa nền hòa bình mong manh của xứ Kim tự tháp.


Trong một diễn biến mới, ngày 28-1, Hội đồng Shura (Thượng viện) Ai Cập đã thông qua quyết định của Tổng thống Mohamed Morsi, ban hành tình trạng khẩn cấp 30 ngày cùng lệnh giới nghiêm tại ba tỉnh đang xảy ra bạo loạn. Thượng viện Ai Cập cũng thông qua dự luật cho phép ông M.Morsi triển khai lực lượng vũ trang trên đường phố để giữ gìn an ninh và bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng.


Thủ đô Cairo đang chìm trong xung đột.


Cùng thời gian này, Tổng thống M.Morsi đã chủ trì cuộc đối thoại dân tộc với sự tham dự của đại diện các đảng phái chính trị thảo luận về tình trạng bạo lực leo thang. Tham dự đối thoại có lãnh đạo các đảng Hồi giáo Tự do và Công lý cầm quyền, Salafist Nour, Al-Wasat và hai đảng đối lập gồm Ai Cập Mạnh mẽ và Ghad Al-Thawra của hai cựu ứng cử viên tổng thống Abdel-Moneim Abul-Fotouh và Ayman Nour. Tuy nhiên, khối đối lập Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh quy tụ hàng chục chính đảng tự do và cánh tả, đã tẩy chay cuộc đối thoại vì cho rằng Tổng thống M.Morsi không đáp ứng các điều kiện của họ và không mang lại lợi ích cho người dân. Phát biểu tại họp báo ngay sau cuộc họp khẩn cấp của NSF, lãnh đạo khối này, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Mohamed ElBaradei cho rằng lời kêu gọi đàm phán của Tổng thống M.Morsi là "không nghiêm túc" và "chỉ dẫn đến bế tắc". Trong khi đó, Phong trào thanh niên "Mùng Sáu tháng Tư", một lực lượng đối lập nổi bật đã tuyên bố cứng rắn, đòi giải tán cả nội các đương nhiệm…

Những dấu hiệu căng thẳng đang diễn ra cho thấy, cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại Ai Cập chưa thể lắng dịu trong tương lai gần. Lo ngại về sự leo thang bạo lực ở quốc gia Bắc Phi, ngày 28-1, Tổ chức Ân xá quốc tế đã lên tiếng hối thúc nhà chức trách Ai Cập chỉ đạo các lực lượng an ninh tránh sử dụng vũ lực một cách quá mức hoặc không cần thiết gây thương vong cho người biểu tình. Tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney cho biết, Mỹ lên án mạnh mẽ tình trạng bạo lực tại Ai Cập, kêu gọi "người dân Ai Cập bày tỏ quan điểm một cách hòa bình; đồng thời các nhà lãnh đạo nước này "thể hiện rõ lập trường rằng bạo lực là không thể chấp nhận được". Trước đó, ngày 27-1, Canada đã đóng cửa tạm thời Đại sứ quán tại Cairo và cảnh báo công dân của mình "nâng cao cảnh giác" trong bối cảnh các cuộc biểu tình đang lan rộng và tình hình an ninh "không thể dự đoán trước".

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ai Cập được châm ngòi từ hành động của các cổ động viên bóng đá, khi phiên tòa tuyên án tử hình đối với 21 bị cáo trong vụ bạo động đẫm máu liên quan tới bóng đá ở nước này hồi tháng 2-2012 tại thành phố Suez, thuộc tỉnh Port Said. Thêm vào đó, phiên tòa diễn ra trùng thời điểm kỷ niệm 2 năm nổ ra làn sóng biểu tình lật đổ chính quyền của Tổng thống Hosni Mubarak (25-1), do đó phe đối lập nhân cơ hội đã phát động biểu tình chống lại ban lãnh đạo quân sự cầm quyền tại Ai Cập. Nhưng, dư luận khu vực cho rằng, nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng Ai Cập không chỉ như vậy. Nó bắt nguồn từ những mâu thuẫn âm ỉ lâu nay và càng khó hóa giải khi ông M.Morsi tuyên bố, cuộc bầu cử Quốc hội của Ai Cập sẽ được tổ chức trong vòng 3, 4 tháng tới - được khởi động vào ngày 25-2 - với sự tham gia của Phong trào Anh em Hồi giáo (MB) vừa trở lại chính trường sau 84 năm kể từ khi tổ chức này ra đời. Đây được xem là nguyên nhân chính khơi mào cuộc đấu đá quyền lực giữa MB mà ông M.Morsi là đại diện với bên kia là giới quân sự lâu nay nắm quyền tại đất nước Bắc Phi.

Trong một tuyên bố mới đây, nhiều chính đảng đối lập như: đảng Hiến pháp, Phong trào Nhân dân, Liên minh Xã hội chủ nghĩa Nhân dân, Cách mạng Xã hội chủ nghĩa… đã nêu ra hàng loạt yêu sách trong đó đòi hủy bỏ Hiến pháp mới vừa được thông qua, giải thể tổ chức MB và thành lập một chính phủ cứu quốc... Cuộc khủng hoảng chính trị tiếp diễn tại Ai Cập khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khi mọi dấu hiệu đều cho thấy một cuộc hòa hợp ngay lập tức ở đất nước này là không tưởng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ai Cập: Cuộc khủng hoảng chưa dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.