Theo dõi Báo Hànộimới trên

ASEAN trước vấn nạn di cư trái phép

Đình Hiệp| 19/05/2015 06:23

(HNM) - Không chỉ Châu Âu, giờ đây Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng trở thành điểm đến của nạn di cư trái phép. Tuần qua, Indonesia cứu gần 700 người Myanmar và Bangladesh khi chiếc thuyền chở họ bị đắm ở vùng biển ngoài khơi tỉnh Aceh.


Nếu như cuộc phân bổ "hạn ngạch" về người nhập cư bất hợp pháp đang gây tranh cãi trong Liên minh Châu Âu (EU) thì việc tiếp nhận những người di cư trái phép cũng khiến các quốc gia ASEAN phải "đau đầu".

Nạn di cư trái phép đang đặt ra cho ASEAN nhiều thách thức.



Thách thức càng tăng bởi làn sóng di cư trái phép vào ASEAN không giảm, trong đó chủ yếu là cộng đồng người Rohingya ở Myanmar và Bangladesh, tìm cách vượt biển tới Malaysia, Indonesia và Thái Lan. Tranh cãi đã nổ ra khi giới chức các nước liên quan chỉ cung cấp thực phẩm, nước uống cho những người di cư và kiên quyết không cho các thuyền chở dân di cư trái phép cập bờ. Theo Tổ chức Di trú quốc tế (IOM), có khoảng 8.000 người di cư đang lênh đênh trên biển khu vực ASEAN trong tình trạng nguy hiểm. Điều đáng lo ngại là các tàu chở người nhập cư trái phép của các nhóm buôn người luôn lẩn trốn mọi sự trợ giúp hoặc tìm kiếm của các cơ quan chức năng. IOM cho hay, chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã có hơn 25.000 người Bangladesh và Myanmar vượt biển trên những chiếc tàu của bọn buôn người, nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái và đến nay đã có ít nhất 300 người thiệt mạng, 40% những người được tìm thấy hoặc được cứu trong tình trạng thiếu ăn, thậm chí gần như chết đói. Đó là chưa kể đến số người nhập cư bất hợp pháp thiệt mạng khi đã cập bờ.

Các kết quả điều tra ban đầu của Indonesia, Thái Lan và Malaysia gần đây đều cho thấy, người nhập cư trái phép từ Myanmar hay Bangladesh đã được các tổ chức buôn người mời chào theo hình thức tuyển dụng làm việc ở các quốc gia này với mức lương hấp dẫn. Sau khi chấp thuận, người di cư bị nhồi nhét lên những con thuyền tồi tàn và lênh đênh hàng tuần trên biển để trốn tránh lực lượng chức năng nước sở tại trước khi cập bờ. Số khác, nếu may mắn cập bến an toàn lại bị những kẻ buôn người giam giữ trong những lán trại dơ bẩn trong rừng rậm và bị mua đi bán lại như hàng hóa…

Trước nguy cơ một thảm họa nhân đạo nghiêm trọng có thể xảy ra với những người di cư trái phép, trong một phát biểu mới nhất, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ "ngày càng quan ngại" về tình cảnh của những người di cư đang bị mắc kẹt trên các con thuyền tại các vùng biển của ASEAN. Ông Ban Ki-moon đã có các cuộc trao đổi qua điện thoại với Thủ tướng Malaysia Najib Razak và Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha về vấn đề này. Phó Tổng thư ký LHQ Jan Eliasson cũng trao đổi với Ngoại trưởng Bangladesh Abul Hasan Mahmood Ali và Thứ trưởng Indonesia phụ trách vấn đề đa phương Hasan Kleib nhằm tìm phương án giải quyết. Trong các cuộc thảo luận, các lãnh đạo LHQ đều nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ tính mạng của người di cư, thực hiện nghĩa vụ cứu người trên biển và bảo đảm luật pháp quốc tế. Vào ngày 29-5, Thái Lan sẽ tổ chức Hội nghị đặc biệt về di cư trái phép trong khu vực với sự tham gia của các quan chức cấp cao đại diện 15 nước trong khu vực như Australia, Indonesia, Malaysia, Lào, Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Mỹ… để bàn cách giải quyết nỗi nhức nhối về người di cư trái phép.

Trước thực trạng đáng báo động trên, Cơ quan Cao ủy của LHQ về người tỵ nạn (UNHCR) vừa lên tiếng khẳng định đây là một thách thức xuyên biên giới mà không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2015, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng ASEAN cần có một giải pháp chung để giải quyết vấn đề người di cư trái phép trước khi hiện thực không mong muốn này trở thành thảm họa. Theo Thủ tướng N.Razak, dù phải tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, thế nhưng khi một vấn đề đã lan rộng và ảnh hưởng đến các quốc gia ASEAN khác và có thể là cả các nước ngoài ASEAN thì một giải pháp thông qua Diễn đàn ASEAN và hợp tác với các bên liên quan là hết sức cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ASEAN trước vấn nạn di cư trái phép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.