Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp chật vật trong khủng hoảng kép

Đình Hiệp| 10/08/2015 06:45

(HNM) - Chưa thể hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính, Hy Lạp lại phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp mới về nhập cư khi nước này trở thành một cánh cửa để dòng người từ Bắc Phi và Trung Đông tràn vào nhằm tìm đường tới các nước khác trong Liên minh Châu Âu (EU).


Tình trạng người nhập cư ồ ạt tràn vào đất nước của những vị thần nói riêng, khu vực Châu Âu nói chung đang trở thành mối quan ngại lớn, thậm chí còn cao hơn cả nỗi lo về kinh tế và thất nghiệp.

Hy Lạp là một trong những điểm đến của người di cư vào Châu Âu.


Số liệu thống kê mới đây của Cơ quan về kiểm soát biên giới EU (Frontex) cho thấy, trong tháng 7 đã có 50.000 người nhập cư bằng đường biển đến Hy Lạp, vượt quá con số ghi nhận của cả năm 2014. Con số này cho thấy, Hy Lạp đã vượt lên Italia trong vai trò là con đường trung chuyển người nhập cư chạy trốn chiến tranh ở Trung Đông và bất ổn chính trị ở Châu Phi đến các nước Châu Âu khác. Nếu tính từ đầu năm đến tháng 7 vừa qua, đã có 135.000 người đến Hy Lạp, cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Thực trạng này đã đẩy Hy Lạp vào một hoàn cảnh hết sức khó khăn trong bối cảnh đang gặp nhiều vấn đề về tài chính.

Bất chấp những rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, các con tàu chở đầy người nhập cư xuất phát từ các cảng của Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Lybya vẫn chọn những điểm đến là 4 đảo du lịch gần nhất của Hy Lạp gồm Lesbos, Chios, Kos và Samos. Dòng người di cư đông đúc đã gây tình trạng hỗn loạn do các cơ sở tiếp nhận ở đây không đủ khả năng để đón một lượng người lớn đến như thế. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã cảnh báo về việc các đảo Lesbos, Chios và Kos không có đủ nước sạch và dịch vụ y tế cho người nhập cư, trong khi các chỗ ngủ tạm thời tại các trại tiếp nhận cũng rất hạn chế. Giám đốc khu vực Châu Âu của UNHCR Vincent Cochetel cho rằng, các nước Châu Âu cần phải tăng cường hỗ trợ Hy Lạp trong việc giảm gánh nặng về người nhập cư. Tuy nhiên, bản thân Hy Lạp cũng phải "định hướng và điều phối" các chiến dịch liên quan đến người nhập cư trước thực trạng thiếu chỗ ở tại các trại tiếp nhận tạm thời khiến nhiều người nhập cư bằng đường biển phải qua đêm ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp.

Theo một thống kê của EU, 90% số người cập các cảng của Hy Lạp trên hành trình sang Châu Âu đến từ Syria và Afghanistan. Nếu nhìn vào bản đồ địa lý, có thể thấy, vùng biên giới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là tuyến đầu của EU trong cuộc chống nhập cư bất hợp pháp, là cửa ngõ ngăn cản các phần tử cực đoan di chuyển từ các căn cứ ở Iraq và Syria. Vì thế, một trong những nguyên nhân khiến Hy Lạp trở thành điểm đến lý tưởng của người di cư trong hành trình tới Châu Âu là do một số đảo của nước này chỉ cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ vài hải lý, khiến hành trình vượt biển nhanh hơn và tương đối an toàn hơn so với hải trình từ Libya tới Italia, tuyến đường đã khiến hơn 2.000 người thiệt mạng khi cố gắng tìm cách vào EU trong năm nay. Trong bối cảnh dòng người tị nạn và di cư từ Trung Đông và Bắc Phi nườm nượp đổ đến Châu Âu, các nước thuộc biên giới phía Đông và Nam của EU như Italia, Hy Lạp và Hungary đang phải chịu áp lực rất lớn.

Trong một phát biểu mới đây, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã lên tiếng kêu gọi chính phủ các nước thành viên EU giúp đỡ những người nhập cư đang đổ về châu lục này thay vì tìm cách đưa họ trở về quê hương. Chủ tịch EC nhấn mạnh, do các nước thành viên EU không nhất trí được về hạn ngạch phân bổ nên EC buộc phải tìm kiếm thỏa thuận trên cơ sở tự nguyện, nhằm từ nay cho đến mùa thu tới bảo đảm con số 40.000 người mà EU đã cam kết. Dẫu đưa ra hai lựa chọn, hoặc hạn ngạch hoặc tự nguyện, Chủ tịch EC vẫn mong muốn các nước sẽ phản ứng tích cực hơn.

Vừa chống đỡ khủng hoảng nợ, Hy Lạp lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng từ làn sóng người tị nạn và người di cư trái phép không ngừng đổ vào nước này, làm dấy lên lo ngại về một thảm họa nhân đạo. Trước nguy cơ cuộc "khủng hoảng kép", cuối tuần qua, Thủ tướng Alexis Tsipras đã có cuộc họp nội các khẩn cấp nhằm kêu gọi EU hỗ trợ chính phủ nước này cũng như sự đoàn kết trong EU để giải quyết mối quan tâm chung. Thủ tướng A.Tsipras nhấn mạnh: "Hy Lạp đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng bên trong khủng hoảng" và đề nghị thúc đẩy nhanh việc giải ngân hơn 400 triệu euro trong các quỹ khẩn cấp của EU dành cho người tị nạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp chật vật trong khủng hoảng kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.