Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quan hệ Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ: Nguy cơ tăng khủng hoảng chính trị

Thuỳ Dương| 08/02/2018 06:23

(HNM) - Quan hệ ngoại giao giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ đang xấu đi từng ngày khi Amsterdam vừa thông báo chính thức rút Đại sứ từ Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời không cho phép Ankara cử Đại sứ tới Hà Lan.

Biểu tình bên ngoài Lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại thành phố cảng Rotterdam của Hà Lan.


Mối quan hệ giữa Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng trong thời gian qua, khởi đầu là việc Tổng lãnh sự quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Hà Lan hồi tháng 8-2016 gửi một bức thư đến các thị trưởng thành phố của Hà Lan để hướng dẫn đối phó với những cuộc biểu tình do phe đối lập của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tổ chức. Những tài liệu đó khiến Hà Lan phẫn nộ và cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ không được can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Căng thẳng càng trở nên nghiêm trọng khi ngày 11-3-2017, Chính phủ Hà Lan không cho phép Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu bay đến TP Rotterdam nhằm vận động cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại đây ủng hộ kế hoạch cải cách Hiến pháp của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Tiếp đó, ngày 12-3-2017, Hà Lan đã quyết định buộc đoàn xe của Bộ trưởng Các chính sách xã hội và gia đình Thổ Nhĩ Kỳ, bà Fatma Betul Sayan Kaya cùng gia đình trở lại biên giới Đức, khi đoàn xe này đang cố tìm cách đến Rotterdam.

Động thái của Hà Lan vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ Thổ Nhĩ Kỳ, chính quyền của Tổng thống R.Erdogan đã phong tỏa Đại sứ quán Hà Lan tại Ankara và Tổng lãnh sự quán Hà Lan tại Istanbul vì lý do an ninh. Đồng thời tuyên bố sẽ trả đũa bằng cách cấm các chính trị gia Hà Lan bay tới Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoài việc khẩu chiến quyết liệt thì hai bên còn "ăn miếng trả miếng" về mặt ngoại giao, hết phong tỏa cơ quan đại diện ngoại giao đến trấn áp người biểu tình phản đối. Cả hai bên chủ ý leo thang căng thẳng và đối đầu chứ không nhượng bộ, tìm cách hòa dịu.

Trước những khủng hoảng leo thang, bà Federica Mogherini, người phụ trách các vấn đề đối ngoại của EU nhấn mạnh, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ cần tìm kiếm các giải pháp làm dịu tình hình. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan giải quyết tranh chấp ngoại giao hiện nay.

Theo Washington, cả hai nước đều là đối tác lớn và là đồng minh trong tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Mỹ đề nghị hai bên không leo thang căng thẳng và hợp tác để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, sự kiện Hà Lan chính thức rút Đại sứ khỏi Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy Amsterdam chưa có dấu hiệu “xuống thang” với Ankara.

Ngày 5-2, Người phát ngôn Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, ông Bekir Bozdag cho biết nước này vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Hà Lan. Ông Bozdag nhấn mạnh, sự kiện này không có nghĩa quan hệ ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan bị cắt đứt; vẫn còn có các đại biện lâm thời duy trì mối quan hệ giữa hai nước.

Quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Châu Âu thời gian qua vốn không êm ả, đặc biệt sau cuộc lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ R.Erdogan bất thành do một số tướng lĩnh quân đội tổ chức giữa tháng 7-2016. Nhiều lo ngại cho rằng, tranh cãi ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - Hà Lan có nguy cơ đẩy mối quan hệ song phương nói riêng và với Liên minh Châu Âu nói chung rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Hà Lan - Thổ Nhĩ Kỳ: Nguy cơ tăng khủng hoảng chính trị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.