Theo dõi Báo Hànộimới trên

EU lại thấp thỏm

Quỳnh Dương| 31/05/2018 06:22

(HNM) - Thủ tướng được chỉ định Giuseppe Conte đã từ chức chỉ sau 5 ngày được Tổng thống Sergio Mattarella giao nhiệm vụ đứng ra thành lập một chính phủ liên minh.

Ông G.Conte từ chức vì Tổng thống S.Mattarella không đồng ý đề cử cựu Bộ trưởng Công nghiệp Paolo Savona, 81 tuổi, một nhân vật có quan điểm hoài nghi Châu Âu làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính. Quyết định của Tổng thống S.Mattarella thể hiện quan điểm kiên quyết tìm mọi cách tránh cho Italia rơi vào kịch bản có một chính phủ đi ngược lại với lợi ích chung của Liên minh Châu Âu (EU).

Tuy nhiên, động thái này khiến 2 đảng Liên đoàn phương Bắc (LN) và Phong trào 5 sao (M5S) giận dữ hủy bỏ kế hoạch liên minh, buộc Italia đứng trước một cuộc bầu cử mới.

Quyết định từ chức Thủ tướng chỉ sau 5 ngày được chỉ định của ông G.Conte cho thấy Italia đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng.


Thực tế cho thấy, mâu thuẫn và chia rẽ vẫn là những vấn đề ẩn sâu trong hệ thống chính trị Italia. Hơn 70 năm qua kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai, quốc gia hình chiếc ủng này đã trải qua nhiều biến động với sự thay đổi của 65 chính phủ. Trong đó, số chính phủ có thể duy trì hoạt động trọn vẹn một nhiệm kỳ 5 năm là rất hiếm hoi.

Để giảm những hệ lụy của cuộc khủng hoảng chính trị, Tổng thống S.Mattarella đã triệu tập ông Carlo Cottarelli, cựu Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để trao quyền thành lập chính phủ kỹ trị. Tuy nhiên, quyết định này cũng chưa thể giải quyết những bế tắc trên chính trường Italia khi hầu hết các chính đảng đều khẳng định sẽ không ủng hộ một chính phủ kỹ trị tại Quốc hội.

Nếu ông Carlo Cottarelli không vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Chính phủ lâm thời sẽ phải từ chức và nhiều khả năng Tổng thống S.Mattarella sẽ phải đảm nhận cương vị Thủ tướng và thành lập nội các mới đảm nhiệm chức năng điều hành đất nước cho đến khi cuộc bầu cử mới được tổ chức sau tháng 8.

Việc cử tri Italia phải đi bỏ phiếu lại có thể giúp EU thở phào khi không phải chấp nhận Chính phủ liên minh giữa một đảng cực hữu và một đảng dân túy ở Rome. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra tại cuộc bầu cử cách đây hơn hai tháng vẫn có thể lặp lại bằng chiến thắng của đảng M5S.

Theo kết quả các cuộc thăm dò gần đây nhất, tỷ lệ ủng hộ đảng LN hiện tăng lên 24%, so với 17% tại thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ngày 4-3. Tỷ lệ ủng hộ M5S vẫn giữ nguyên ở mức 32%. Sự trỗi dậy của hai đảng này đi ngược lại những nền tảng đã được hình thành từ trước ở Italia, giữa lúc nước này vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài nhiều năm qua. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng cao kỷ lục, kèm theo đó là làn sóng hàng trăm nghìn người di cư đổ vào Italia.

Trên thực tế, M5S và đảng LN là những đối thủ chính trị với các ưu tiên rất khác nhau và hai đảng chỉ giành được thế đa số cực kỳ mong manh tại Thượng viện, khiến nguy cơ đi tới thất bại và mâu thuẫn là rất lớn. Ngoài ra, M5S và đảng LN còn đang bất đồng sâu sắc trong nhiều vấn đề, từ các dự án kinh tế ưu tiên tới ngân sách. Do đó, sự kết hợp giữa M5S và LN sẽ mang lại nhiều rủi ro cho Italia.

Theo nhận định của các nhà phân tích, cuộc bầu cử trước thời hạn ở Italia sẽ giống như cuộc trưng cầu dân ý đối với EU và đồng euro. Đây là mối đe dọa sống còn đối với khu vực các nước sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) nếu trong cuộc bầu cử tới, người Italia chọn chính đảng theo xu hướng dân túy. Kết quả bầu cử sẽ đặt ra thách thức lớn đối với khối này bởi những lo ngại về tương lai của đồng tiền chung Châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU lại thấp thỏm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.