Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh EU: Nỗ lực thu hẹp bất đồng

Quỳnh Dương| 01/07/2018 07:52

(HNM) - Sau 2 ngày nhóm họp căng thẳng, các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) đã thống nhất được nhiều vấn đề

Thủ tướng Đức A.Merkel vui mừng trước kết quả của hội nghị.


Một trong những vấn đề đáng chú ý là an ninh quốc phòng. EU đã đồng ý tăng cường năng lực phòng thủ, chi tiêu nhiều hơn cho lĩnh vực quốc phòng để củng cố năng lực và không phụ thuộc vào Mỹ. Theo Tuyên bố chung, Châu Âu phải gánh vác trách nhiệm lớn hơn đối với an ninh của Lục địa già, đồng thời củng cố vai trò của liên minh như một lực lượng và đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Các nhà lãnh đạo EU cam kết tăng chi tiêu cho quân sự sau nhiều năm cắt giảm; thúc đẩy một hiệp ước quốc phòng ký hồi tháng 12-2017 nhằm phát triển vũ khí, triển khai quân và hoàn tất cơ cấu quân sự. Những sáng kiến này sẽ nâng cao sự tự chủ chiến lược của liên minh, đồng thời bổ sung, củng cố các hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Về kinh tế thương mại, các nhà lãnh đạo EU cho rằng, liên minh phải ứng phó trước mọi hành động rõ ràng mang bản chất bảo hộ. Châu Âu sẽ tiến hành đàm phán về các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầy tham vọng với các đối tác sau khi ký các thỏa thuận tạm thời với Nhật Bản, Mexico trong 12 tháng qua. Hiện, EU vẫn tìm kiếm một FTA với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) gồm: Argentina, Brazil, Paraguay, Uruguay và sẽ bắt đầu đàm phán với Australia, New Zealand vào tháng 7-2018. Động thái trên được xem như để đối phó với chính sách bảo hộ của Mỹ mà EU vẫn cho là "hành động không thể bào chữa được". Trong thời gian tới, Ủy ban Châu Âu (EC) sẽ đẩy mạnh hoàn thiện thủ tục pháp lý và áp thuế đối với hàng hóa Mỹ.

Chủ đề gây tranh cãi nhất tại hội nghị lần này là cuộc khủng hoảng người di cư, cũng đạt được thỏa thuận khiến các nhà lãnh đạo EU có thể thở phào nhẹ nhõm. Chỉ 2 ngày trước, 16 nước thành viên tham dự hội nghị thu hẹp về vấn đề này đã không đạt được kết quả đáng kể nào. Italia - quốc gia chịu nhiều hệ lụy nhất của làn sóng người di cư từ Trung Đông, Châu Phi tuyên bố sẽ phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào bàn về thương mại và an ninh đưa ra tại hội nghị, trừ khi các nước EU đáp ứng những yêu cầu của nước này về di cư.

Trong tuyên bố cuối cùng được cho là có thể làm hài lòng những quốc gia có quan điểm cứng rắn về cuộc khủng hoảng, 28 nước thành viên đã nhất trí thành lập trên lãnh thổ EU các “trung tâm kiểm soát” đón tiếp người di cư được cứu vớt trên biển. Những cơ sở này sẽ được đặt tại các nước thành viên “tự nguyện” và cho phép phân loại nhanh chóng những người đủ điều kiện xin tị nạn với các trường hợp di cư vì kinh tế. Điều này đáp ứng một phần mong muốn của Italia về chia sẻ trách nhiệm từ các nước trong việc giải quyết vấn đề người di cư. Các nước cũng nhất trí thắt chặt biên giới, tăng cường hỗ trợ tài chính cho Thổ Nhĩ Kỳ, Morocco và các quốc gia Châu Phi để ngăn dòng người di cư đến Châu Âu.

Hội nghị lần này cho thấy những chia rẽ giữa các nước thành viên cũng như khó khăn nhằm thống nhất lập trường không chỉ về vấn đề di cư mà còn nhiều vấn đề quan trọng khác của khối. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU khẳng định, những nỗ lực nhằm gác lại bất đồng để cùng nhau hướng tới một tương lai chung. Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định: "Dù vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể thu hẹp bất đồng giữa các nước, song việc các bên đạt được sự đồng thuận là một tín hiệu tích cực cho sự hợp tác của khối trong thời gian tới".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh EU: Nỗ lực thu hẹp bất đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.