Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sóng gió trên chính trường Australia

Thùy Dương| 23/08/2018 06:21

(HNM) - Sóng gió bất ngờ nổi lên trên chính trường Australia khi hàng loạt quan chức cao cấp trong nội các đệ đơn từ chức.

Chính phủ của Thủ tướng M.Turnbull đang rơi vào khủng hoảng khi hàng loạt quan chức trong nội các đệ đơn từ chức.


Cuộc khủng hoảng chính trị tại xứ sở Kangaroo bùng phát từ ngày 21-8, khi ông M.Turnbull vượt qua cuộc bỏ phiếu bầu lại lãnh đạo đảng Tự do, với chiến thắng sít sao 48-35 trước đối thủ và là Bộ trưởng Nội vụ nước này Peter Dutton. Ngay sau cuộc bỏ phiếu, ông P.Dutton tuyên bố từ chức với lý do muốn dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho các cuộc tuyển cử vị trí lãnh đạo đảng Tự do trong tương lai. Đến nay đã có 10 quan chức Chính phủ đệ đơn từ chức, tuy nhiên Thủ tướng M.Turnbull đã bác bỏ các đề nghị trên và mới chỉ có ông P.Dutton được Thủ tướng chấp thuận.

Căng thẳng trong nội bộ Chính phủ Australia diễn ra trong bối cảnh uy tín của liên đảng Tự do - Quốc gia cầm quyền tiếp tục giảm so với Công đảng đối lập. Trong cuộc thăm dò của Ipsos được công bố trên các tờ báo Fairfax cho thấy, tỷ lệ ủng hộ liên đảng dành cho ông M.Turnbull giảm 4 điểm xuống 45%. Mặc dù vẫn giành đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu của nội bộ đảng Tự do song với chiến thắng sít sao, chỉ 13 phiếu chênh lệch cũng bộc lộ những khó khăn mà Thủ tướng M.Turnbull phải đối mặt. Đó không chỉ là sự giảm sút uy tín trong nội bộ đảng Tự do mà còn là nghi ngại liên quan đến dự luật Đảm bảo năng lượng quốc gia cũng như chính sách cắt giảm thuế mà Thủ tướng M.Turnbull chưa thể giải quyết ổn thỏa.

Đưa ra dự thảo Đảm bảo năng lượng quốc gia, Thủ tướng M.Turnbull chủ trương muốn hạ giá điện, bảo đảm an ninh năng lượng và giảm khí thải. Tuy nhiên, dự luật này từng bị đe dọa sẽ không thể thông qua tại Quốc hội bởi nhiều nhà chính trị Australia không muốn biến cam kết cắt giảm 26% khí thải gây hiệu ứng nhà kính trở thành điều luật. Để đạt được mục tiêu cam kết này, các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chi một khoản tiền khá lớn để mua sắm thiết bị công nghệ mới, như vậy sẽ rất tốn kém. Thế nên, sau đó ông M.Turnbull không đưa mục tiêu cắt giảm 26% khí hiệu ứng nhà kính như đã cam kết trong Thỏa thuận Paris vào dự luật Đảm bảo năng lượng quốc gia. Thay vào đó, dự luật này chỉ tập trung vào việc hạ giá điện nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho các gia đình Australia.

Cũng trong ngày 22-8, Quốc hội Australia đã bỏ phiếu không tán thành dự thảo cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có mức thu nhập lớn hơn 50 triệu AUD (gần 37 triệu USD). Đây là một trong những động thái tiếp theo gây ảnh hưởng tới sự nghiệp chính trị đang “chao đảo” của Thủ tướng M.Turnbull. Đề xuất cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của Australia bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất cắt giảm thuế thu nhập dành cho các doanh nghiệp có doanh thu dưới 50 triệu AUD/năm đã được Quốc hội thông qua trước đó. Tuy nhiên, nội dung thứ hai với đề xuất cắt giảm thêm 5% thuế thu nhập cho các doanh nghiệp có doanh thu trên 50 triệu AUD/năm đã gây tranh cãi và bị giữ lại xem xét tại Thượng viện trong nhiều tháng qua. Trước tình hình này, thủ lĩnh Công đảng đối lập Bill Shorten kêu gọi ông M.Turnbull không nên đưa ra Quốc hội bất cứ đề xuất hay dự thảo nào trước khi ổn định được Chính phủ.

Trước nguy cơ lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng, Thủ tướng M.Turnbull kêu gọi Chính phủ đoàn kết nếu không sẽ thất bại trong cuộc bầu cử tiếp theo. Chưa rõ nhà lãnh đạo Australia sẽ có những bước đi tiếp theo nào, song rõ ràng chính trường của xứ sở Chuột túi đang phải đón nhận những "cơn địa chấn" khó lường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sóng gió trên chính trường Australia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.