Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khi mạng xã hội thổi bùng ngọn lửa bạo loạn

Bình Minh| 09/12/2018 08:56

(HNMO) - Xuất phát từ một nhóm nhỏ trên mạng xã hội, phong trào biểu tình “áo vàng” đã nhanh chóng lan rộng và đẩy nước Pháp đứng trước nguy cơ bạo loạn nghiêm trọng nhất 50 năm trở lại đây.

“Áo vàng” - Phong trào khởi đầu từ Facebook

Ngày 8-12, phong trào biểu tình “áo vàng” tại nước Pháp đã kéo dài sang tuần thứ 4. Khoảng 31.000 người đã tham gia cuộc biểu tình quy mô lớn ở thủ đô Paris, va chạm với lực lượng an ninh và 700 người đã bị cảnh sát bắt giữ. Trên toàn quốc, khoảng 89.000 cảnh sát đã được điều động để ứng phó với “cơn bão” biểu tình.

Một tháng qua, ít nhất 3 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong các cuộc biểu tình có quy mô lớn nhất 5 thập kỷ. Ban đầu, những người biểu tình tuần hành hòa bình trên các đường phố nhằm phản đối kế hoạch tăng thuế nhiên liệu và chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Tuy nhiên, sau đó, cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn khi những người biểu tình đốt phá xe ô tô, đụng độ lẫn nhau và va chạm với cảnh sát.

Người biểu tình "áo vàng" đốt phá xe ô tô trên đường phố Pháp. Ảnh: Reuters


"Áo vàng” là một phong trào khởi nguồn từ Facebook. Ban đầu, một nhóm nhỏ những người thuộc phong trào này đã liên lạc với nhau, cùng chia sẻ các bài viết và video nhờ cùng tham gia một trang trên Facebook. “Áo vàng” không có một cá nhân lãnh đạo chính thức. Những người có ảnh hưởng lớn nhất đến phong trào này là những cá nhân đăng tải nhiều bài viết và video nhất trên trang Facebook của nhóm.

Dần dần, trang Facebook này ngày càng trở nên phổ biến và thu hút sự quan tâm của nhiều người sử dụng mạng Internet. Đến nay, kết quả khảo sát ý kiến người dân cho thấy, phần lớn người dân Pháp ủng hộ phong trào này.

Khi mạng xã hội thổi bùng ngọn lửa bạo loạn

Hồi đầu năm nay, một người Bồ Đào Nha Leandro Antonio Nogueira đang sống tại Pháp lập ra một nhóm mang tên “Nhóm Nổi giận” trên Facebook. Đây là nhóm mà các thành viên tham gia có thể than phiền và thảo luận về các vấn đề của địa phương. Sau đó, trên trang này, Nogueira kêu gọi các thành viên tiến hành biểu tình hòa bình bằng cách chặn các con đường ở Pháp. Khởi đầu từ một nhóm nhỏ, đến nay, nhóm này đã có khoảng 90.000 thành viên.

Nguyên nhân khiến những nhóm như thế này nhanh chóng mở rộng hoạt động là do Facebook thay đổi thuật toán hiển thị tin tức trên Facebook, theo đó “Facebook ưu tiên các thông tin đáng tin cậy và tin tức của địa phương”.

Với việc ưu tiên hiển thị tin tức của địa phương, những người sử dụng Facebook có thể nhanh chóng tiếp cận những thông tin, vấn đề đang được thảo luận về địa phương nơi mình sinh sống. Những bài viết trên Facebook có thể được chia sẻ liên tục, nhanh chóng và dễ dàng, dẫn tới thông tin được lan truyền nhanh chóng, mạnh mẽ và khó kiểm soát.

Ngay cả những người cao tuổi cũng có thể tiếp cận và chia sẻ thông tin trên Facebook rất dễ dàng. Khi muốn chia sẻ thông tin tới cộng đồng địa phương, họ chỉ cần ghi “ptg” (viết tắt của từ chia sẻ), kèm theo 2 hoặc 3 chữ số thể hiện biển số xe ở khu vực mình sinh sống ở đầu bài viết. Nhờ những con số ký hiệu biển số xe này, những người ở cùng khu vực có thể nhanh chóng nhận ra và kết nối với nhau.

Với cách thức này, chỉ tính trong vòng 1 tháng, Nhóm Nổi giận đã có thể tổ chức hàng chục cuộc tuần hành sau khi đăng tải các thông tin kêu gọi biểu tình trên Facebook. Và không chỉ dừng lại ở một nhóm, chỉ tính trong vòng 3 tháng trở lại đây, hàng chục nhóm nổi giận tương tự đã được lập nên, tạo ra 26,57 triệu lượt tương tác trên mạng xã hội.

Theo CrowdTangle, trong vòng 3 tháng, các nhóm Nổi giận ở Pháp đã ghi nhận 26,57 triệu lượt tương tác. 


Hiểm họa tin giả

Điều đáng nói là, các nhóm này là nơi phát tán tin giả nhanh chóng. Ví dụ, trên trang Facebook “France in Anger” (Tạm dịch là Nước Pháp nổi giận), một trong những nhóm hoạt động công khai có lượng thành viên hoạt động lớn nhất hiện nay, một thành viên đã đăng tải bức ảnh được cho là hàng triệu người Đức bỏ lại xe hơi trên đường và đi bộ để biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao.

Tuy nhiên, đây lại là bức ảnh từ năm 2010 chụp lại cảnh tắc đường ở Trung Quốc. Mặc dù thông tin thiếu chính xác nhưng bài viết này đã thu hút rất nhiều lượt thích, bình luận và chia sẻ.

Báo chí đã từng tốn nhiều giấy mực về việc lợi dụng Facebook để thổi bùng các cuộc biểu tình chống Hồi giáo ở Myanmar, Sri Lanka hay tình trạng tin giả trên WhatsApp gây ra hàng loạt vụ giết người nghiêm trọng ở Ấn Độ, Brazil.

Các cuộc biểu tình “áo vàng” tại Pháp không phải là lần đầu tiên tình trạng bạo loạn khởi nguồn từ những cơn bão trên mạng xã hội, và tất nhiên đây cũng không phải là trường hợp cuối cùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi mạng xã hội thổi bùng ngọn lửa bạo loạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.