Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguy cơ khó lường với an ninh toàn cầu

Phương Quỳnh| 18/01/2019 06:44

(HNM) - Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), được Liên Xô và Mỹ ký vào cuối tháng 12-1987 đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ khi cuộc đàm phán vừa diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) không đạt được kết quả nào.

Điều này không chỉ khiến quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục trượt dốc mà còn có nguy cơ đẩy thế giới vào bất ổn khó lường về an ninh.

Nga - Mỹ không đạt được thỏa thuận về INF.


Ngay sau khi đàm phán thất bại, Mỹ đã chính thức thông báo sẽ bắt đầu tiến trình rút khỏi INF vào ngày 2-2 tới. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế, bà Andrea Thompson, đã xác nhận thông tin này với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Lo ngại trước những căng thẳng leo thang, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã lên tiếng kêu gọi Nga quay trở lại bàn đàm phán. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo các nước thành viên cần chuẩn bị cho viễn cảnh INF sụp đổ và xem xét trước các hậu quả có thể xảy ra.

Theo giới quan sát, cơ hội để Nga và Mỹ ngồi lại với nhau tiếp tục trao đổi về INF là rất mong manh vì khác biệt trong quan điểm giữa hai bên quá lớn. Washington cho rằng, Mátxcơva vi phạm các điểm cơ bản của INF khi phát triển hệ thống tên lửa 9M729, vốn được cải tiến từ các tên lửa hành trình Kalibr, có thể gắn đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân với tầm bắn tới 2.600km. Yêu cầu tiên quyết của “Chú Sam” là muốn Nga phá hủy hệ thống tên lửa được cho là có thể đánh bại các lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu. Tuy nhiên, phía Nga tuyên bố loại tên lửa này hoàn toàn đáp ứng các quy định của INF, đồng thời tố cáo Mỹ đã vi phạm INF khi triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Romania.

Việc yêu cầu Nga phải tiêu hủy hoàn toàn hệ thống tên lửa 9M729 và quá trình tiêu hủy phải được kiểm chứng thực chất là để các chuyên gia Mỹ có điều kiện thâm nhập rất sâu vào phần cốt lõi hoạt động chế tạo tên lửa của Nga. Trả lời báo chí ngày 16-1, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov khẳng định, Mátxcơva không đóng cánh cửa đối thoại và sẵn sàng tiếp tục thảo luận vấn đề này. Nhưng nếu Mỹ quyết định rút khỏi INF, Nga sẽ buộc phải đáp trả bằng các biện pháp thích ứng nhằm duy trì cân bằng lực lượng.

Đây không phải là lần đầu hai nước tranh cãi và đổ lỗi cho nhau vi phạm các thỏa thuận liên quan. Mỗi lần như vậy, Washington đều chủ động đi trước như rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo (ABM) hồi năm 2001. Trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực hướng tới một môi trường an ninh và hòa bình trên cơ sở hợp tác và đối thoại, việc Mỹ tiếp tục rút khỏi một văn kiện kiểm soát vũ khí quan trọng như INF được xem là bước thụt lùi đối với hệ thống ổn định chiến lược toàn cầu. Liên hệ hồ sơ hạt nhân Iran và Triều Tiên hiện nay, quyết định của Tổng thống Donald Trump có thể hủy hoại uy tín của Mỹ trên bàn đàm phán với cả Tehran lẫn Bình Nhưỡng.

Hiện tại, nhiều nguồn tin cho rằng Mỹ cũng đang nghiêng về khả năng không gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3) sẽ hết hạn vào năm 2021. Như vậy, nếu cả START mới lẫn INF bị hủy bỏ, thế giới sẽ bị đặt vào tình huống đối đầu chiến lược giữa hai cường quốc hạt nhân như từng xảy ra hồi đầu những năm 1970. Tình trạng không có hiệp ước ràng buộc sẽ cho phép các bên tự do phát triển tên lửa tối tân, đồng thời có thể kích hoạt một cuộc chạy đua vũ trang mới. Là hai cường quốc hạt nhân, Nga và Mỹ đều chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì sự ổn định toàn cầu và bất kỳ bước đi thiếu cân nhắc nào cũng có thể gây ra những hậu quả khó kiểm soát đối với hòa bình thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguy cơ khó lường với an ninh toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.