Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng leo thang tại Venezuela

Quỳnh Dương| 29/01/2019 08:00

(HNM) - Năm ngày sau khi ông Juan Guaido, Chủ tịch Quốc hội Venezuela, cầm đầu phe đối lập kiểm soát Quốc hội, tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước với tư cách “Tổng thống lâm thời”, tình hình Venezuela liên tục có thêm những căng thẳng đe dọa sự ổn định của quốc gia Nam Mỹ này.

Trước tình hình bất ổn, nhiều người dân Venezuela đã rời đất nước đi tị nạn.


Trong diễn biến mới nhất, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã bác bỏ một tối hậu thư quốc tế kêu gọi nước này tổ chức các cuộc bầu cử trong vòng 8 ngày, đồng thời tuyên bố thủ lĩnh phe đối lập Juan Guaido đã vi phạm Hiến pháp khi tự phong là "Tổng thống lâm thời". Tuyên bố được đưa ra sau khi lãnh đạo nhiều nước châu Âu ra tối hậu thư cho ông N.Maduro với nội dung hoặc yêu cầu tổ chức bầu cử lại, hoặc sẽ không được công nhận là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Trước đó, Tổng thống N.Maduro đã kêu gọi nhân dân Venezuela đoàn kết để bảo vệ quyền được sống trong hòa bình và ổn định trước những âm mưu phá hoại của các thế lực chống đối trong và ngoài nước. Ông N.Maduro cũng nhấn mạnh, những hành động của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát trong thời gian gần đây đã vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp.

Dư luận quốc tế lo ngại, Mỹ và các nước đồng minh đang dàn xếp một kịch bản Syria tại Venezuela, có thể là một dạng chính phủ bất hợp pháp sẽ được lập ra, bởi Mỹ và EU đang kêu gọi quốc gia khác công nhận chính phủ tự phong. Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Venezuela để phản đối tổng thống đương nhiệm và gây bất ổn xã hội. Nếu Tổng thống N.Maduro lựa chọn cách giải quyết ôn hòa, tình hình phức tạp sẽ kéo dài. Còn nếu sử dụng các biện pháp mạnh, sẽ mở ra cơ hội cho phe đối lập triển khai các hành động bạo lực, đối đầu với lực lượng quân đội và an ninh Venezuela, đẩy đất nước vào cuộc nội chiến tương tự với những gì từng diễn ra trong làn sóng cách mạng mang tên “Mùa xuân Arab” ở Trung Đông và Bắc Phi. Hậu quả nhãn tiền của tình trạng "nồi da nấu thịt", "huynh đệ tương tàn" là đất nước bị hủy hoại nặng nề, tương lai mờ mịt.

Hiện tại, bước thứ nhất trong kịch bản đã diễn ra khi Chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump và một loạt quốc gia khác đã công nhận ông Juan Guaido là "Tổng thống lâm thời". Nhiều nhà phân tích cho rằng, bước tiếp theo, Mỹ sẽ cùng các đồng minh chuyển tài sản của Venezuela sang cho lực lượng đối lập nhằm hậu thuẫn âm mưu lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi ngày 28-1 ông Juan Guaido đã yêu cầu nhà chức trách Anh ngăn không cho Tổng thống Nicolas Maduro tiếp cận số vàng của Venezuela lưu trữ tại Ngân hàng Anh. Trong bối cảnh đang phải vật lộn với siêu lạm phát, nếu để mất số vàng trị giá khoảng 1,3 tỷ USD nói trên, nền tài chính của Venezuela có thể hứng chịu những tổn thất nặng nề.

Giới quan sát đưa ra nhận định cho rằng, việc Mỹ can thiệp vào nội bộ Venezuela có thể sẽ là “con dao 2 lưỡi”. Xét những gì đã diễn ra ở một loạt quốc gia như Libya hoặc Iraq, có thể thấy rằng, sự can thiệp thay đổi chính quyền không mang lại ổn định như người dân mong đợi. Khi Tổng thống Iraq Saddam Hussein bị lật đổ, bộ máy chính quyền đang vận hành tại Iraq sẵn sàng tiếp quản vai trò lãnh đạo và các lực lượng quân sự Mỹ sẽ nhanh chóng rút quân về nước. Tuy nhiên, các lực lượng Mỹ chiếm đóng tại Iraq phát hiện ra rằng những gì còn sót lại tại quốc gia Trung Đông này là một bộ máy chính quyền yếu kém, vốn phụ thuộc vào sự lãnh đạo của Tổng thống S.Hussein trước đây. Mỹ cùng đồng minh không có phương án dự phòng và buộc phải hiện diện lâu dài tại Iraq để giúp tái thiết đất nước. Đó là còn chưa kể bất ổn đã biến những quốc gia nói trên thành miền đất hứa cho các lực lượng khủng bố mở rộng địa bàn. Diễn biến phức tạp tại Venezuela rất có thể sẽ trở thành ngòi nổ bất ổn tại khu vực trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng leo thang tại Venezuela

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.