Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó tìm giải pháp vẹn toàn

Minh Hiếu| 30/01/2019 06:29

(HNM) - Trong bầu không khí lo ngại căng thẳng có thể trở lại bao trùm nền kinh tế toàn cầu, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vừa mở cuộc điều tra đối với các biện pháp thuế quan trị giá 250 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa Trung Quốc.


Động thái này được đưa ra vào thời điểm khá nhạy cảm khi vòng đàm phán thương mại cấp cao giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới dự kiến được nối lại hôm nay, ngày 30-1, tại thủ đô Washington (Mỹ), nhằm tìm kiếm sự đồng thuận trước khi thời hạn “đình chiến” chấm dứt vào ngày 1-3 tới.

WTO vừa mở cuộc điều tra đối với các biện pháp thuế quan của Mỹ theo đơn kiện của Trung Quốc.


Quyết định trên do cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO thực hiện sau khi thị trường hơn 1 tỷ dân lần thứ hai đệ trình đơn kiện lên tổ chức thương mại lớn nhất hành tinh. Bắc Kinh khẳng định mức thuế quan mà chính quyền Washington áp dụng với nước này trong năm 2018 rõ ràng đã vi phạm các nguyên tắc của WTO, đặc biệt là quy định “Tối huệ quốc” do có sự bất bình đẳng trong đối xử giữa hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và từ các quốc gia thành viên khác của WTO. Bên cạnh đó, đơn kiện cũng chỉ ra rằng hành động của xứ Cờ hoa đã gây ra thách thức đối với hệ thống thương mại đa phương.

Tất nhiên, khiếu nại của Trung Quốc không được phía Mỹ tán thành. Nước này chỉ trích đề nghị điều tra và nhấn mạnh mức thuế mà Washington áp đặt lên hàng hóa từ Bắc Kinh chỉ giải quyết các vấn đề thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của WTO, do đó nằm ngoài khuôn khổ quy định và quyền hạn của tổ chức này. Bên cạnh đó, Mỹ lập luận việc điều tra là vô nghĩa bởi trước đó, Trung Quốc đã đơn phương áp đặt các biện pháp trả đũa mà không hề thông qua WTO khi cho rằng mức thuế của nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thỏa đáng.

Giữa những “lời qua tiếng lại” của các bên, cựu quan chức cấp cao WTO James Bacchus nhận định, đây là cuộc điều tra có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của tổ chức này. Vấn đề dư luận quan tâm là liệu Washington có thể đơn phương áp đặt rào cản thương mại đối với Bắc Kinh với lý do nước này đã vi phạm các nguyên tắc của WTO mà không tìm kiếm biện pháp giải quyết tranh chấp trong khuôn khổ cơ chế này hay không? Tuy nhiên, việc hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO đang trong tình trạng quá tải cũng khiến một cuộc điều tra như vậy khó lòng sớm mang lại kết quả.

Giới quan sát cũng lo ngại cuộc chiến pháp lý có thể “chọc giận” Mỹ và khiến nước này rút khỏi WTO. Đây là kịch bản hoàn toàn có khả năng xảy ra bởi Tổng thống D.Trump đã rút Mỹ khỏi hàng loạt cơ chế hợp tác điển hình như Thỏa thuận hạt nhân Iran, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu… Ông chủ Nhà Trắng cũng nhiều lần bày tỏ bất bình trước cơ chế của WTO là đưa ra quyết định dựa trên sự đồng thuận tuyệt đối, khiến cơ quan này khó lòng giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ một cách thỏa đáng. Song nếu phán quyết nghiêng về phía Mỹ, rất có thể xứ Cờ hoa sẽ coi đây là án lệ để tiếp tục áp dụng các rào cản thuế quan nhằm bảo hộ thương mại trong nước.

Việc WTO có thể tìm kiếm một giải pháp vẹn cả đôi đường là điều không dễ dàng, nhất là khi thời hạn 90 ngày “đình chiến” thương mại được lãnh đạo hai nước nhất trí hồi tháng 12-2018 sắp kết thúc. Nếu cuộc gặp tại Washington giữa quan chức cấp cao hai nước không tạo được bước đột phá hướng tới giải quyết bất đồng, còn WTO vẫn bế tắc trong việc đưa ra phán quyết cụ thể, nhiều khả năng hai bên sẽ lại bước vào thời kỳ “ăn miếng trả miếng” làm chao đảo thị trường tài chính như giai đoạn nửa cuối năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó tìm giải pháp vẹn toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.