Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông điệp chính trị quan trọng

Minh Hiếu| 02/02/2019 06:30

(HNM) - Sau nhiều động thái thúc giục từ Iran, Liên minh châu Âu (EU) vừa thiết lập một cơ chế trao đổi thương mại đặc biệt nhằm hỗ trợ và tạo thuận lợi cho các hoạt động giao dịch không sử dụng đồng USD với Tehran.

Động thái này được coi là bước đi đầu tiên trong việc thực hiện các cam kết của khối này đối với thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 năm 2015, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) trước những đe dọa từ phía Mỹ.

Cơ chế trao đổi thương mại đặc biệt là sáng kiến của Pháp, Anh, Đức nhằm thể hiện cam kết duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.


Phương tiện phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) của châu Âu được đặt tên là INSTEX - một công cụ hỗ trợ hoạt động trao đổi thương mại. Sáng kiến này do 3 quốc gia châu Âu tham gia JCPOA là Anh, Pháp, Đức (còn gọi là E3) đưa ra, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp có hoạt động làm ăn hợp pháp với Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời duy trì, thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên mà không sử dụng đồng USD. Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngày 31-1, ngoại trưởng các nước E3 cho biết, INSTEX sẽ đặt trụ sở tại thủ đô Paris (Pháp), được quản lý bởi chuyên gia ngân hàng người Đức Per Fischer - cựu quản lý Ngân hàng Commerzbank và do Anh phụ trách Ban Giám sát. INSTEX hoạt động theo các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất về chống rửa tiền, chống bảo trợ khủng bố và tuân thủ các lệnh trừng phạt của EU và Liên hợp quốc.

Cơ chế này không thể giúp khôi phục ngay lập tức hoạt động thương mại với Iran, song Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và một số nhà ngoại giao khác của châu Âu nhận định, đây là thông điệp chính trị quan trọng dành cho Iran. Cụ thể, Lục địa già quyết tâm cứu thỏa thuận hạt nhân với Tehran, đồng thời quyết tâm bảo vệ lợi ích của mình bất chấp các biện pháp trừng phạt từ phía Mỹ. Ban đầu, INSTEX chỉ tập trung vào các lĩnh vực mà Ngoại trưởng Pháp gọi là cốt yếu đối với người dân Iran, như thiết bị y tế, dược phẩm và các mặt hàng nông sản thực phẩm, nhưng phạm vi trao đổi của cơ chế này sẽ được xem xét và mở rộng trong tương lai. Thứ trưởng Iran Abbas Araqchi nhấn mạnh, đây là bước đầu tiên được phía châu Âu thực hiện và bày tỏ hy vọng cơ chế này sẽ được áp dụng đối với mọi danh mục, hàng hóa trong tương lai.

Dù vậy, các quốc gia EU khác vẫn dè dặt trong việc đón nhận cơ chế nói trên do lo ngại những biện pháp trừng phạt của Mỹ. Ngay sau khi thông tin về việc thiết lập INSTEX được công bố, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington không muốn cơ chế này của EU ảnh hưởng đến việc gây sức ép kinh tế tối đa đối với Tehran. Bộ Ngoại giao Mỹ đang theo dõi sát sao thông tin để nắm được cơ chế hoạt động của INSTEX, đồng thời khẳng định các thực thể tham gia hoạt động nằm trong danh mục trừng phạt của Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ mất đi quyền tiếp cận hệ thống tài chính cũng như khả năng làm ăn với các công ty của nước này.

Việc INSTEX bất ngờ được thúc đẩy và thiết lập đã phản ánh ý thức, sự cấp thiết của EU trong việc khẳng định khả năng độc lập trước một nền kinh tế lớn hơn như Mỹ. Quyết tâm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD cũng đã được nhấn mạnh trong bài phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vào tuần trước, khi khẳng định các biện pháp trừng phạt của Mỹ với Iran càng khiến USD trở thành đồng tiền có sức mạnh. Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew cảnh báo, cơ chế do các nước châu Âu thiết lập cho thấy chiến lược của xứ Cờ hoa đang phản tác dụng và buộc các quốc gia khác phải đẩy mạnh chính sách đối phó với những động thái cứng rắn và khó đoán định từ Washington.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông điệp chính trị quan trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.