Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục tìm giải pháp cho vấn đề Syria

Minh Hiếu| 15/02/2019 06:59

(HNM) - Các chuyên gia nhận định, vấn đề Syria không thể ngay lập tức được giải quyết chỉ thông qua một hay một vài cuộc họp.

Các Tổng thống (từ trái qua): Rouhani, Putin, Erdogan. Ảnh: Al Jazeera.


Đây là Hội nghị Thượng đỉnh ba bên lần thứ 4 giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria. Kể từ hội nghị đầu tiên tại Sochi hồi tháng 11-2017, ba quốc gia với tư cách là “nước bảo trợ” cho tiến trình hòa bình Syria đã đạt một số kết quả nổi bật như các lệnh ngừng bắn được ban hành và thiết lập vùng giảm leo thang căng thẳng ở quốc gia bị chiến tranh tàn phá này. Theo thông tin từ Mátxcơva, cũng như những cuộc họp đã diễn ra trước đó, ông chủ Điện Kremlin cùng Tổng thống Iran Hassan Rouhani và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn tiếp tục tập trung tìm giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng tại Syria.

Trong bối cảnh hiện nay, trọng tâm của vấn đề Syria là tình hình tại tỉnh Idlib, thuộc miền Bắc Syria - nơi vẫn còn sự hiện diện của hàng chục nghìn phần tử cực đoan. Hiện Mátxcơva đang hy vọng Ankara sẽ hành động nhiều hơn để hiện thực hóa các cam kết tại khu vực này. Thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã trì hoãn một số cam kết tại đây như mở tuyến đường từ Idlib đến Aleppo và Latakia, vốn phải được hoàn thành từ tháng 12-2018. Trong cuộc họp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar hôm 11-2 nhằm chuẩn bị cho hội nghị, hai bên đã nhất trí cần có những biện pháp mạnh mẽ để ổn định tình hình tại Idlib.

Cục diện tại Syria kể từ Hội nghị Thượng đỉnh ba bên gần đây nhất đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhất là sau tuyên bố hồi tháng 12-2018 của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khoảng 2.000 binh sĩ nước này tại Syria về nước do tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị đánh bại. Trong bối cảnh đó, Nga đã giành được những lợi thế chính trị to lớn để trở thành lực lượng trung gian chủ chốt tại khu vực. Sự hiện diện của Nga và Iran cũng được giới chức Syria hoan nghênh và gọi đây là những “đối tác” trong phát triển ở Trung Đông. Ngay trước thềm chuyến đi tới Sochi, Tổng thống Iran H.Rouhani đã gọi ý định rút quân của Mỹ khỏi Syria là một thông tin tốt lành, song nước này vẫn hoài nghi trước "lời hứa" của Washington bởi không có mốc thời gian cụ thể nào được công bố.

Hội nghị tại thành phố bên bờ biển Đen lần này càng nhận được sự quan tâm của giới quan sát khi diễn ra song song với một hội nghị về hòa bình Trung Đông, được tổ chức theo sáng kiến của Mỹ tại thủ đô Vácxava (Ba Lan). Sự kiện này bị Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Palestine cùng một số nước Arab và châu Âu chỉ trích là hành động đơn phương áp đặt lợi ích địa chính trị của Mỹ, núp dưới vỏ bọc là sáng kiến quốc tế. Khi vai trò của Mỹ tại Trung Đông đang bị hoài nghi bởi chính những mâu thuẫn trong tuyên bố và hành động thực tế của chính quyền Tổng thống D.Trump, những hội nghị giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ như đã diễn ra tại Sochi, Astana hay Kazakhstan càng được kỳ vọng là diễn đàn thể hiện vai trò chính trị của các bên liên quan và thu hẹp bất đồng trong giải quyết các cuộc khủng hoảng tại chảo lửa của thế giới.

Các chuyên gia nhận định, vấn đề Syria không thể ngay lập tức được giải quyết chỉ thông qua một hay một vài cuộc họp. Nhưng những hội nghị tương tự được tổ chức thường xuyên, hiệu quả và thực chất là điều cần thiết, ít nhất là trong việc tìm giải pháp cho những vấn đề ngắn hạn và trở thành nền tảng mang lại hòa bình lâu dài cho quốc gia đã phải gánh chịu quá nhiều tổn thất trong thời gian qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục tìm giải pháp cho vấn đề Syria

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.