Theo dõi Báo Hànộimới trên

FED giữ nguyên lãi suất: Lựa chọn an toàn

Hoàng Linh| 22/03/2019 07:08

(HNM) - Sau cuộc họp chính sách dài hai ngày, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell cho biết, lãi suất cho vay qua đêm giữa các ngân hàng của nước này sẽ vẫn được giữ nguyên ở mức 2,25-2,5%.

Quyết định giữ nguyên lãi suất của FED cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hồi phục ổn định.


Lý do được ông J.Powell nêu ra cho quyết định lần này là FED không thấy biến động nào đáng để thay đổi lãi suất trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Mỹ đang ổn định, thậm chí các yếu tố vốn là cơ sở của việc nâng lãi suất cũng đã suy yếu. Trong khi đó, việc tăng trưởng toàn cầu chậm lại, chiến tranh thương mại, bất đồng nội bộ khiến Chính phủ Mỹ đóng cửa… đang tạo ra nhiều bất định. Trong bối cảnh ấy, lãnh đạo FED cho rằng đây là thời điểm rất quan trọng, đòi hỏi sự kiên nhẫn, theo dõi sát tình hình và chỉ khi nào xuất hiện xu hướng rõ ràng, đặc biệt là những diễn biến trên thị trường việc làm và lạm phát, mới có thể đưa ra những quyết định tương ứng.

Giới phân tích cũng đánh giá quyết định trên của FED là hợp lý, và cơ quan này không còn nhận thấy sự cần thiết phải nâng lãi suất như một biện pháp chống lạm phát dù tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đang thấp hơn mục tiêu 2% mà FED đề ra. Bên cạnh đó, việc FED phát tín hiệu dừng tăng lãi suất có thể khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump hài lòng. Thời gian qua, ông chủ Nhà Trắng đã nhiều lần chỉ trích FED và ông J.Powell về việc nâng lãi suất, cho rằng động thái này khiến đồng USD trở nên quá mạnh, gây trở ngại cho tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu của Mỹ. Trước đó, sau khi hạ lãi suất về ngưỡng gần 0% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, FED bắt đầu nâng lãi suất kể từ cuối năm 2015. Và cho đến ngày 19-12-2018, FED đã 9 lần điều chỉnh lãi suất và riêng trong năm 2018, cơ quan này nâng lãi suất tới 4 lần.

Nhìn ở góc độ lạc quan, việc FED giữ nguyên lãi suất cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang ở trong một trạng thái tốt và có triển vọng tích cực. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phân tích nhấn mạnh tới một số bất cập mà các nhà hoạch định chính sách tài chính của xứ Cờ hoa nên cân nhắc, bao gồm việc Anh vẫn loay hoay với tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu và những diễn biến của cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc. Ngoài ra, xu hướng giảm trong chi tiêu của các hộ gia đình và đầu tư của các công ty từ đầu năm 2019 đến nay khá rõ nét. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng kinh tế Mỹ có nguy cơ chững lại, nhất là khi tác dụng của chương trình cắt giảm thuế và tăng chi tiêu của chính quyền Tổng thống D.Trump suy giảm.

Ngoài ra, lãi suất hiện tại của FED vẫn khá thấp so với trung bình trước đây. Nếu không tăng, cơ quan này sẽ có rất ít lựa chọn chính sách để đối phó với bất kỳ cuộc suy thoái nào nếu xảy ra. Điều này kết hợp với tình trạng lạm phát dưới ngưỡng về lâu dài có thể tạo ra bất lợi cho tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, FED dự báo kinh tế Mỹ sẽ chỉ tăng trưởng 2,1% trong năm 2019, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,1% của năm 2018. Cùng giai đoạn này, tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức 3,7%, cao hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 12-2018. Lạm phát được đánh giá sẽ ở ngưỡng 1,8%, thấp hơn mức dự báo 1,9%.

Cho dù phải đối mặt với một số yếu tố không thuận lợi nhưng việc lãi suất cơ bản của Mỹ không thay đổi là một tín hiệu tích cực, lựa chọn an toàn đối với nền kinh tế nước này trong ngắn hạn. Điều đó cũng phù hợp với kỳ vọng của thị trường, mong muốn sự ổn định về chính sách vĩ mô nhằm hỗ trợ tốt hơn cho sự phục hồi của kinh tế Mỹ vốn vẫn còn những “di chứng” của “cơn đại hồng thủy” khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
FED giữ nguyên lãi suất: Lựa chọn an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.