Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mất quyền kiểm soát Brexit, Thủ tướng Anh sẽ hành động gì tiếp theo?

Theo Tin tức| 27/03/2019 09:37

Tối 25-3, Thủ tướng Anh Theresa May phải chịu một cú giáng nặng vào quyền lực, khi cuối cùng bà bị mất quyền kiểm soát Brexit vào tay Hạ viện.

Thủ tướng Anh Theresa May tại Thủ đô London ngày 20-3-2019. Ảnh: THX/TTXVN


Vấn đề lớn mà Thủ tướng Anh phải giải quyết hiện nay là: Làm thế nào để bà có thể giành lại quyền kiểm soát Brexit?

Động thái của bà May trong những ngày tới đây sẽ quyết định liệu bà có thành công trong giành lại quyền kiểm soát hay không, qua đó định hình được tương lai nước Anh.

Ngày 27-3, Thủ tướng May sẽ phải chứng kiến cuộc bỏ phiếu của Quốc hội về các lựa chọn khác thay thế thỏa thuận Brexit của bà.

Rất có thể Quốc hội sẽ bỏ phiếu cho những lựa chọn mềm hơn thỏa thuận của Thủ tướng May, bao gồm việc liệu Anh có nên ở lại liên minh thuế quan với Liên minh châu Âu (EU) và liệu Anh có nên tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về rời khỏi EU hay không.

Cả hai phương án này trước đây đều bị những nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của bà May, vốn ủng hộ Brexit, phản đối.

Thỏa thuận vẫn chưa “chết”

Mặc dù tuần này Thủ tướng May đang bị mất vị thế, tuy nhiên bà vẫn có thể giành lại được một chút quyền lực khi tiến trình Brexit thực sự diễn ra.

Bà vẫn đảm nhiệm vị trí tới Brussels để tham gia đàm phán với các nhà lãnh đạo EU khác, cũng như có quyền quyết định liệu những lá phiếu vào tối 27-3 chỉ đơn thuần mang tính chỉ định hơn là ràng buộc.

Tối 25-3, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu về một sửa đổi đối với vấn đề Brexit do nghị sĩ - cựu Bộ trưởng Oliver Letwin thuộc đảng Bảo thủ đề xuất. Theo đó, Hạ viện chứ không phải chính phủ sẽ nắm quyền điều hành việc tìm ra lựa chọn khác cho tiến trình Brexit.

Cùng ngày, Chính phủ Anh ra một tuyên bố chỉ trích bước đi của Quốc hội, cảnh báo đây sẽ là một “bước đi nguy hiểm và không lường trước được tương lai”.

Thủ tướng May cảnh báo rằng, việc bỏ phiếu tất cả các phương án khác nhau sẽ có thể dẫn đến kết quả không có phương án nào nhận được đại đa số phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ. Thủ tướng May cũng nói rõ, bà không cam kết chính phủ của bà sẽ làm theo kết quả của các cuộc bỏ phiếu này, bởi không một chính phủ nào có thể đưa ra cam kết sẽ thực hiện một việc mà không biết nội dung. Tuy nhiên, bà May cam kết "sẽ tham gia tích cực trên tinh thần xây dựng trong tiến trình này".

Về mặt lý thuyết, Thủ tướng Anh có thế thuyết phục các nhà lãnh đạo EU ủng hộ một thỏa thuận Brexit “mềm” mà Hạ viện đề xuất, và sử dụng nó như một đòn bẩy để giành được nhiều lá phiếu của những nghị sĩ ủng hộ Brexit và nghị sĩ thuộc đảng Liên minh Dân chủ (DUP) cho kế hoạch ban đầu của bà - gần 5 tháng sau khi nó bị “mắc kẹt” tại Brussels.

Tuy nhiên, chiến lược đó mang tính mạo hiểm cao. Ngày 25-3, một số nhà lập pháp Công đảng ủng hộ Brexit khẳng định, họ sẽ không bao giờ bỏ phiếu cho thỏa thuận của Thủ tướng May, bất chấp đề nghị được đưa ra là gì. Trong khi đó, một số nghị sĩ khác như Chủ tịch Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG) Jacob Rees-Mogg và cựu Ngoại trưởng Boris Johnson dường như đang nghiêng về kế hoạch của Thủ tướng May. Từ đó có thể thấy, Thủ tướng Anh rất gần với chiến thắng, bất chấp thất bại “bẽ bàng” tối 25-3.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mất quyền kiểm soát Brexit, Thủ tướng Anh sẽ hành động gì tiếp theo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.