Theo dõi Báo Hànộimới trên

Duy trì ảnh hưởng tại “sân sau” chiến lược

Minh Hiếu| 14/04/2019 07:09

(HNM) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang thực hiện chuyến công du kéo dài 4 ngày tới các nước Mỹ Latinh, bao gồm Chile, Paraguay, Peru và vùng Cucuta thuộc Colombia.

Bên cạnh việc thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác song phương, chuyến công tác của người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ được đánh giá là nỗ lực duy trì ảnh hưởng và tìm kiếm sự ủng hộ trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội tại Venezuela đang có những tác động không nhỏ tới khu vực vốn được Washington coi là “sân sau” chiến lược.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thủ đô Santiago, ngày 12-4.


Với vị trí nằm “sát sườn” nước Mỹ, các nước Mỹ Latinh vẫn nắm giữ những lợi ích cốt lõi mà Washington luôn theo đuổi và được coi là nơi chịu ảnh hưởng tự nhiên và đặc trưng của xứ Cờ hoa. Các nhà lãnh đạo của Mỹ từ suốt thế kỷ XX đến nay cũng không hề giấu giếm tham vọng đưa khu vực này nằm dưới sự ảnh hưởng độc quyền của Mỹ ở Tây bán cầu. Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền vào năm 2016 và thực hiện những thay đổi đáng kể về bảo hộ thương mại, di cư, nhiều ý kiến cho rằng chính sách của Washington đối với khu vực Mỹ Latinh không còn thể hiện nhiều ý nghĩa chiến lược và rõ ràng như các chính quyền tiền nhiệm.

Chuyên trang về chính sách đối ngoại The Global American nhận xét, các chuyến thăm cấp cao của quan chức Mỹ tới khu vực này dần trở nên thưa thớt, với các tuyên bố chung chung mang tính xã giao. Đây cũng là khu vực nhận được sự hỗ trợ, tài trợ ít nhất của Mỹ ở nước ngoài... Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực không còn phụ thuộc quá nhiều vào Mỹ giữa lúc một số nước khác như Nga, Trung Quốc, Ấn Độ có xu hướng gia tăng sự chú ý tới vùng đất này. Những diễn biến như vậy ở một mức độ nào đó đã làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

Bởi vậy, chuyến thăm của Ngoại trưởng M.Pompeo tới 4 quốc gia Mỹ Latinh chính là cơ hội để Mỹ củng cố lại vai trò và định hình chiến lược tương lai tại khu vực. Điểm dừng chân đầu tiên của quan chức ngoại giao Mỹ là Chile với mục tiêu nêu bật vị thế lãnh đạo khu vực của quốc gia này, hướng tới vai trò Chủ tịch Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong năm 2019 và là nơi diễn ra Hội nghị cấp cao APEC trong tháng 11-2019. Trong khi đó, ông M.Pompeo cũng là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tới thăm Paraguay kể từ năm 1965.

Chỉ ít ngày sau chuyến công du này, các ngoại trưởng Nhóm Lima sẽ có cuộc họp tại thủ đô Santiago của Chile. Nhóm đa phương gồm 14 nước được thành lập từ năm 2017 theo Tuyên bố Lima này có mục tiêu tìm lối thoát hòa bình cho cuộc khủng hoảng Venezuela. Đây cũng chính là trọng tâm trong chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Cả 4 quốc gia là điểm dừng chân trong chuyến thăm lần này đều ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của Mỹ với Venezuela. Hồi tháng 1-2019, Mỹ và các thành viên Lima, trừ Mexico đã có quyết định gây tranh cãi khi tuyên bố Tổng thống Nicolas Maduro là lãnh đạo bất hợp pháp bất chấp việc ông được dân chúng bầu lên thông qua bầu cử, đồng thời công nhận thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido là Tổng thống lâm thời.

Các chuyên gia nhận định, mối quan hệ “xuôi chèo mát mái” với các đồng minh truyền thống tạo cho xứ Cờ hoa rất nhiều thuận lợi trong việc thực hiện các chính sách nội địa và quốc tế, đặc biệt là tại một khu vực có ý nghĩa chiến lược mà Mỹ không thể để trống nếu không muốn chứng kiến sự can dự của các nước khác. Bởi vậy, việc tăng cường các hoạt động ngoại giao của Ngoại trưởng M.Pompeo cũng không nằm ngoài mục tiêu làm sâu sắc mối quan hệ có phần đang lỏng lẻo với các nước Mỹ Latinh và củng cố vị thế của Mỹ tại khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Duy trì ảnh hưởng tại “sân sau” chiến lược

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.