Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng tuyển cử tại Indonesia: “Màn tái đấu” quen thuộc

Quỳnh Dương| 18/04/2019 06:57

(HNM) - Hôm qua (17-4), hơn 190 triệu cử tri Indonesia đã đi bỏ phiếu để chọn các ứng cử viên xứng đáng cho bộ máy lãnh đạo đất nước. Cuộc bầu cử được đánh giá có quy mô lớn và phức tạp nhất thế giới.

Cử tri Indonesia đi bỏ phiếu lựa chọn các nhà lãnh đạo nhiệm kỳ mới.


Các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa vào lúc 7h sáng theo giờ địa phương ở Papua (tức 5h sáng theo giờ Việt Nam) và kết thúc lúc 1h chiều tại Sumatra. Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được Ủy ban Bầu cử quốc gia (KPU) công bố vào ngày 22-5. Theo KPU, cuộc bầu cử được thực hiện dựa trên nguyên tắc trực tiếp, tự do, bí mật, trung thực và công bằng.

Mỗi cử tri cùng lúc sử dụng 5 lá phiếu khác nhau và phân biệt theo màu sắc. Phiếu màu xám để bầu tổng thống và phó tổng thống, màu vàng bầu Hạ viện, màu đỏ bầu Thượng viện, màu xanh bầu Hội đồng lập pháp (DPRD) cấp tỉnh và màu xanh lá cây bầu DPRD cấp quận, huyện. Quá trình bỏ phiếu có sự giám sát của Ủy ban Giám sát bầu cử, đại diện của các đảng, các địa phương và các quan sát viên quốc tế.

Cuộc bầu cử năm nay có sự tham gia của 245.000 ứng cử viên đại diện cho 6 đảng phái chính trị ở Indonesia. Đúng như dự kiến, cuộc chạy đua vào vị trí tổng thống nhiệm kỳ 2019-2024 được cho là "màn tái đấu" giữa hai ứng cử viên quen thuộc từng là đối thủ trong cuộc bầu cử năm 2014. Đó là Tổng thống đương nhiệm Joko Widodo với cựu tướng quân đội Prabowo Subianto.

Đương kim Tổng thống Joko Widodo đưa ra các kế hoạch cải cách sâu hơn trong các lĩnh vực khác nhau để tăng cường hiệu suất phát triển của Indonesia, từ việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng đến thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực...

Đặc biệt, ông đưa ra ý tưởng sẽ tạo ra các trung tâm tăng trưởng kinh tế dưới hình thức các khu công nghiệp nhỏ và đặc khu kinh tế. Ông Joko Widodo đặt mục tiêu đưa Indonesia phát triển theo hướng đẩy mạnh sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô, thu hút tốt nguồn vốn đầu tư nước ngoài và tạo thêm việc làm cho hàng triệu người.

Trong khi đó, ứng cử viên Prabowo Subianto thách thức con đường của đương kim Tổng thống Joko Widodo và cho rằng Indonesia đang đi sai hướng khi chỉ tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, kết quả là ngành công nghiệp bị tụt hậu. Theo ông, các cách tiếp cận về thuế cũng như phát triển kinh doanh đã khiến Indonesia mất thu nhập.

Tuy nhiên, ứng cử viên này không cụ thể hóa được cách khắc phục, ngoài việc hứa hẹn sẽ cắt giảm thuế đối với các công ty và cá nhân, thúc đẩy sản xuất thực phẩm trong nước thông qua các chính sách thay thế nhập khẩu, khôi phục trợ cấp xăng dầu...

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh Indonesia tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hơn 5% trong 5 năm qua, thấp hơn mức kỳ vọng của người dân. Quốc gia vạn đảo này cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn như kinh tế trì trệ, chênh lệch khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch về sự phát triển giữa các vùng miền có xu hướng tăng.

Vì vậy, bất kể ai là người chiến thắng, người dân Indonesia đều mong muốn được chứng kiến những chiến lược và hành động cụ thể để đưa đất nước thoát khỏi sự đình trệ kinh tế. Người dân cũng hy vọng về một chính phủ tương lai sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, giá cả các mặt hàng được bình ổn, bảo đảm cho người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng tuyển cử tại Indonesia: “Màn tái đấu” quen thuộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.