Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đối đầu nguy hiểm

Thùy Dương| 08/05/2019 06:46

(HNM) - Gần một năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran, nước Cộng hòa Hồi giáo vừa thông báo kế hoạch giảm bớt một số cam kết trong Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà nhóm P5+1 đã ký với Tehran năm 2015.

Mỹ áp đặt trừng phạt mạnh tay vào ngành Dầu khí của Iran nhằm gây sức ép với quốc gia này.


Như vậy, Iran sẽ tái khởi động một phần chương trình hạt nhân nhằm đáp trả việc Mỹ hủy bỏ văn kiện rất được kỳ vọng này. Tuy nhiên, Tehran khẳng định không có kế hoạch rút khỏi thỏa thuận. Theo JCPOA, Iran cam kết từ bỏ chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, đổi lại phương Tây sẽ dỡ bỏ dần các lệnh trừng phạt với Tehran. Không chỉ bảo đảm “cùng thắng” cho tất cả các bên, văn bản này được ca ngợi khi mở ra một chương mới trong giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Đối với Iran, thỏa thuận đã giúp nước này thoát khỏi các lệnh trừng phạt quốc tế vốn “siết chặt” trong nhiều năm, tạo môi trường thuận lợi cho Tehran hòa nhập với thế giới để phát triển đất nước. Trong khi đó, JCPOA cũng đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ và phương Tây vốn bị loại khỏi thị trường Iran trong vài thập niên qua. Thỏa thuận cũng đã tạo bước đột phá trong việc tháo ngòi nổ căng thẳng giữa Mỹ, phương Tây và Iran, tạo ra một khởi đầu tốt đẹp cho những nỗ lực chống phổ biến vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới. Sự tồn tại của văn bản này đã minh chứng cho chân lý mọi căng thẳng, đối đầu, dù ở cấp độ nào, cũng đều có thể hóa giải bằng con đường ngoại giao nếu các bên cùng có thiện chí.

Thế nhưng, Tổng thống D.Trump, người không tham gia quá trình đàm phán JCPOA, cho rằng thỏa thuận là "một chiều", "khủng khiếp" vì không có tác dụng kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Do vậy, Mỹ đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận trước sự ngỡ ngàng của cả các đồng minh châu Âu. Cùng với đó, chính quyền Tổng thống D.Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh tay lên Iran, bao gồm những lệnh nhằm vào ngành dầu khí huyết mạch với mục tiêu gây áp lực tối đa đối với nền kinh tế nước này. Ngày 2-5 vừa qua, Washington tuyên bố sẽ chấm dứt miễn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu mỏ của Tehran.

Chính quyền Tổng thống D.Trump nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt mới là nhằm gây sức ép tối đa buộc Tehran ngừng phát triển tên lửa đạn đạo, hủy bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, chấm dứt ủng hộ chế độ của Tổng thống Bashar Al-Assad ở Syria, Hezbollah ở Lebanon, Houthi ở Yemen, Hamas ở Palestine và các lực lượng khác chống lại các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông, đặc biệt là Israel và Saudi Arabia. Trước đó không lâu, đáp lại những tín hiệu căng thẳng ở Trung Đông, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã tuyên bố, xứ Cờ hoa sẽ triển khai biên đội tàu do tàu sân bay USS Abraham Lincoln dẫn đầu và một phi đội máy bay ném bom đến khu vực hoạt động của Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ. Hành động này là lời “cảnh báo” với chính quyền Iran rằng, bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ hay các đồng minh đều sẽ đối mặt với vũ lực.

Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, những bước đi cứng rắn của Mỹ chỉ làm cho Iran có những phản ứng cực đoan hơn. Việc giảm một phần hoặc bãi bỏ hoàn toàn một vài cam kết bên cạnh nối lại một số hoạt động hạt nhân vốn đã bị đình chỉ theo JCPOA được xem là động thái đáp trả đầu tiên của quốc gia Hồi giáo. Iran cũng đã tuyên bố ngừng các cuộc đàm phán với Mỹ cho đến khi Washington quay trở lại JCPOA. Những thông điệp mạnh mẽ mà hai bên gửi tới nhau thời gian gần đây cho thấy, cả hai đang ngày càng cách xa về quan điểm. Quan trọng hơn, sự leo thang trong cuộc đối đầu nguy hiểm này đang ảnh hưởng tới việc giải quyết nhiều điểm nóng tại Trung Đông và có nguy cơ dẫn tới các cuộc đụng độ quân sự mới ở khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đối đầu nguy hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.