Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mối nguy hại lớn

Minh Hiếu| 12/05/2019 07:36

(HNM) - Cứ 20 người được tuyển dụng tại Malaysia thì có 1 người sử dụng bằng giả và cứ 10 người được tuyển dụng thì có 1 người được đào tạo tại các cơ sở kém chất lượng. Con số đáng báo động này là kết quả điều tra của cơ quan Akhbar & Associates, chịu trách nhiệm rà soát lý lịch cơ bản của các ứng viên tuyển dụng tại các công ty của Malaysia.

Thứ trưởng Ngoại giao Malaysia Marzuki Yahya Ảnh: Twitter


Thông tin gây chấn động trên vừa được công bố trong một bộ phim tài liệu trình chiếu trên kênh truyền hình Al-Jazeera có trụ sở tại Qatar. Bộ phim đã thuật lại quá trình điều tra của cảnh sát nước này và triệt phá một “xưởng sản xuất” bằng cấp giả có tên Axact. Cơ quan điều tra tiết lộ, hàng nghìn người nhận bằng giả từ cơ sở này đang hành nghề bác sĩ, y tá, giáo viên, kỹ sư tại nhiều quốc gia Đông Nam Á như Malaysia, Thái Lan, Singapore... Trong danh sách “khách hàng” của Axact có 80 người mang quốc tịch Malaysia với tên tuổi và địa chỉ cụ thể.

Trước đó, thông tin một số chính trị gia nước này, trong đó có Thứ trưởng Ngoại giao Marzuki Yahya và ông Osman Sapian là cựu lãnh đạo bang Johor, có sự gian dối trong việc khai báo và sử dụng bằng cấp cũng đang gây xôn xao dư luận Malaysia. Hơn 500 người khác, gồm cả các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp lớn cũng nằm trong “tầm ngắm” bị nghi ngờ về trình độ học vấn sau khi nhà chức trách nước này phanh phui một cơ sở giáo dục tại thành phố Subang Jaya chuyên làm giả bằng cấp.

Cảnh sát đã bắt giữ 2 nghi can là vợ chồng giám đốc cơ sở giáo dục "ma", đồng thời truy tìm hàng trăm sinh viên đã “tốt nghiệp” kể từ khi đường dây này đi vào hoạt động năm 2008 với vô số tấm bằng đại học, thạc sĩ và tiến sĩ được mua tại các trường đại học nước ngoài.

Ước tính sau thời gian dài hoạt động, cơ sở này đã thu về 5 triệu ringgit (tương đương khoảng 1,2 triệu USD). Các tấm bằng giả được quảng cáo trên internet với giá 6.500 ringgit (1.500 USD)/bằng cử nhân, 8.500 ringgit (2.000 USD)/bằng thạc sĩ và 10.500 ringgit (2.500 USD)/bằng tiến sĩ. Những người nhận bằng không phải đi học, nộp bài kiểm tra hay bài luận tốt nghiệp.

Giám đốc điều hành cơ quan Quản lý bằng cấp Malaysia (MQA) Rahmah Mohamed khẳng định, không một tổ chức hay cơ quan nào được phép khoan nhượng trước hành vi sử dụng bằng cấp giả. Hiện Thứ trưởng Ngoại giao M.Yahya đang đứng trước áp lực buộc phải từ chức do lừa dối người dân về trình độ học vấn.

Tuy nhiên, một số nghị sĩ đảng Người Malaysia bản địa đoàn kết thuộc liên minh cầm quyền đã lên tiếng bảo vệ quan chức ngoại giao này và nhấn mạnh bằng cấp không quan trọng bằng năng lực và sự tận tâm trong công việc mà ông M.Yahya đã thể hiện.

Cơ quan Điều tra Malaysia nhận định, trên 370 trường đại học trực tuyến giả mạo, được quảng cáo là có trụ sở tại Mỹ có liên quan đến các đường dây làm bằng giả, trong đó có Brooklyn Park University, Nixon University và Newford University. Hàng loạt vụ việc được phanh phui cho thấy vấn nạn sử dụng bằng cấp giả tại quốc gia vốn luôn coi chất lượng giáo dục là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển xã hội này đã trở thành mối nguy hại lớn và kéo theo những hệ lụy khó lường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mối nguy hại lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.