Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơn “địa chấn” trên chính trường Áo

Thùy Dương| 24/05/2019 06:40

(HNM) - Sau khi Phó Thủ tướng Áo Heinz-Christian Strache tuyên bố từ chức vì xuất hiện trong một đoạn video bị cáo buộc có dấu hiệu tham nhũng, mới đây toàn bộ các bộ trưởng thuộc đảng Tự do Áo (FPO) trong liên minh cầm quyền cũng có hành động tương tự khiến bất ổn chính trị tại quốc gia này thêm trầm trọng.

Ông Heinz-Christian Strache phải từ chức Phó Thủ tướng Áo và Chủ tịch đảng FPO vì cáo buộc tham nhũng.


Đoạn video quay lén được báo chí Đức đăng tải hé lộ một cuộc giao dịch giữa Phó Thủ tướng, đồng thời là Chủ tịch đảng FPO Heinz-Christian Strache với một đối tác người Nga. Theo đó, ông Strache được cho là đã đề nghị giúp một công ty giành được các hợp đồng để đổi lại sự hỗ trợ tài chính và chính trị từ doanh nghiệp này ủng hộ cho đảng FPO trong cuộc bầu cử Quốc hội Áo hồi tháng 10-2017. Sau khi đoạn video được đăng tải, ông Strache đã xin từ chức cả trong nội các và đảng của ông.

Ngày 20-5, toàn bộ các bộ trưởng thuộc Đảng FPO cũng đã có hành động tương tự, trong bối cảnh Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tuyên bố sẽ đề xuất Tổng thống Alexander Van der Bellen sa thải Bộ trưởng Nội vụ Herbert Kickl, sau khi ông này từ chối từ chức liên quan tới vụ bê bối tham nhũng của ông Strache.

Được ví như một cơn địa chấn trên chính trường Áo, vụ việc buộc Thủ tướng S.Kurz phải thông báo tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 9 tới, nhằm khôi phục niềm tin của người dân. Đảng Dân chủ Xã hội đối lập (SPO) mô tả đây là vụ bê bối chính trị lớn nhất của Áo thời hậu chiến, còn đảng Nước Áo tự do mới (NEOS) cho rằng, bầu cử Quốc hội sớm là điều "không thể tránh khỏi".

Thủ tướng S.Kurz từng cho biết, nhờ có sự hợp tác của đảng FPO trong liên minh cầm quyền mà đảng Nhân dân (OVP) của ông có thể thực hiện những cam kết bầu cử. Tuy nhiên, tổ chức bầu cử trước thời hạn là cần thiết, trong bối cảnh vụ bê bối liên quan đến ông Strache khiến liên minh cầm quyền khó có thể hoạt động trở lại. Theo các nhà phân tích, giải tán liên minh cầm quyền Áo là lựa chọn khả dĩ hơn cả đối với Thủ tướng S.Kurz, người lên nắm quyền 17 tháng trước. Việc tiếp tục hợp tác với đảng FPO về lâu dài sẽ làm tổn hại uy tín của Thủ tướng S.Kurz. Hơn nữa, tổ chức bầu cử trước thời hạn có thể giúp củng cố vị thế của đảng Nhân dân, nếu cử tri Áo bỏ phiếu cho những ứng cử viên trong sạch hơn.

Bê bối trên chính trường Áo còn cho thấy thách thức mà nhà lãnh đạo S.Kurz gặp phải trong điều hành Chính phủ liên minh trung hữu, do bất đồng về chính sách cũng như khác biệt trong phong cách chính trị giữa hai đối tác trong liên minh cầm quyền. Chính ông S.Kurz thừa nhận, đã xuất hiện căng thẳng trong nội bộ liên minh cầm quyền thời gian qua, sau một loạt vụ bê bối gần đây của các thành viên đảng Tự do Áo. Vụ bê bối của ông Strache giống như giọt nước tràn ly, dẫn tới quyết định chấm dứt sự tồn tại của liên minh cầm quyền và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm. Sự sụp đổ của liên minh cầm quyền tại Áo còn được xem như đòn giáng mạnh vào các đảng theo đường lối dân tộc chống người nhập cư đang nổi lên mạnh mẽ khắp châu Âu.

Sự kiện này cũng có tác động không nhỏ tới châu Âu trong bối cảnh các cuộc bầu cử Nghị viện đang diễn ra (từ 23 đến 26-5). Cùng với Italia, liên minh cánh hữu tại Áo được xem như một hình mẫu cho xu thế trỗi dậy của tư tưởng cực hữu tại khu vực, trong bối cảnh Liên minh châu Âu ngập chìm trong khó khăn, trên cả phương diện chính trị, ngoại giao, nhất là về kinh tế - tài chính nhằm duy trì đồng tiền chung euro. Chính vì thế, theo các nhà phân tích, sự sụp đổ của liên minh bảo thủ - cực hữu tại Áo chắc chắn sẽ gây ra 2 luồng ý kiến trái chiều tại châu Âu và có thể ảnh hưởng tới kết quả cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 26-5 tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơn “địa chấn” trên chính trường Áo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.