Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đảng cầm quyền giành thắng lợi bầu cử tại Ấn Độ: Động lực thúc đẩy cải cách

Quỳnh Dương| 25/05/2019 06:47

(HNM) - Sau cuộc bầu cử lập pháp kéo dài nhất thế giới, cuối cùng Liên minh Dân chủ quốc gia (NDA) do đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi dẫn dắt đã giành thắng lợi áp đảo.


Theo thông báo của Ủy ban Bầu cử Ấn Độ, NDA giành được ít nhất 350 trong tổng số 542 ghế tại Hạ viện. Dù số phiếu cuối cùng chưa được công bố, song đây là kết quả không thể đảo ngược. Các đảng đối lập như Liên minh Tiến bộ đoàn kết (UPA) cũng đã lên tiếng thừa nhận thất bại. Mặc dù chiến thắng của NDA không gây ngạc nhiên, song sự ủng hộ cao như vậy thực sự là con số nằm ngoài mong đợi của đảng cầm quyền.

Thủ tướng Ấn Độ N.Modi chia sẻ niềm vui chiến thắng.


Khi bắt đầu chiến dịch vận động tranh cử, Thủ tướng N.Modi phải chịu nhiều sức ép. Vào tháng 12 năm ngoái, đảng của ông đã thất bại liên tiếp tại 3 cuộc bầu cử cấp bang do cử tri bất mãn về tỷ lệ thất nghiệp tăng và giá nông sản èo uột. Tuy nhiên, theo giới phân tích, tình hình đã diễn biến theo chiều hướng có lợi hơn cho BJP sau vụ khủng bố ở Pulwama hôm 14-2. Chính phủ của Thủ tướng N.Modi đã khơi dậy được tinh thần dân tộc, qua đó xây dựng hình ảnh về một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, thúc đẩy nhân dân đoàn kết, đặc biệt trong cộng đồng người Hindu. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo 68 tuổi và những cộng sự đã thành công trong việc triển khai chiến dịch vận động tranh cử hiệu quả, tập trung vào thu hút sự ủng hộ của đông đảo cử tri bình dân.

Trên thực tế, sau 5 năm cầm quyền, nhà lãnh đạo Ấn Độ đã tạo ra nhiều dấu ấn về cả đối nội và đối ngoại. Ông đã thực hiện 41 chuyến công du tới 59 nước và là vị thủ tướng Ấn Độ có nhiều chuyến thăm nước ngoài nhất. Thủ tướng N.Modi được đánh giá đang đưa Ấn Độ thành một quốc gia có đường lối đối ngoại chủ động, đặc biệt trong quan hệ với các nước lớn. Ấn Độ đã gia tăng ảnh hưởng tại châu Á, tiếp cận mạnh hơn với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Australia, Việt Nam, Singapore…

Quốc gia Nam Á này cũng tăng cường ảnh hưởng tới những đất nước xa xôi tại châu Phi và Mỹ Latinh - nơi New Delhi vốn tụt hậu so với các cường quốc khác. Về đối nội, những chính sách và sáng kiến của Chính phủ với những bước đi mạnh mẽ và táo bạo trên tất cả các lĩnh vực, thúc đẩy cải cách đã giúp nền kinh tế cất cánh và nâng cao đời sống nhân dân, đặc biệt là những người ở tầng lớp thấp và ở vùng nông thôn.

Trong nhiệm kỳ mới, theo nhận định của các nhà quan sát, Thủ tướng N.Modi phải tập trung vào việc sắp xếp nội các. Ổn định chính trị trong nước và an ninh quốc gia sẽ là ưu tiên hàng đầu. Phát biểu tại trụ sở đảng BJP sau chiến thắng vang dội, ông N.Modi khẳng định sẽ vì lợi ích và sự tiến bộ của đất nước. Theo ông, Chính phủ có thể được bầu ra bởi một tỷ lệ đa số, nhưng đất nước sẽ được điều hành trên cơ sở đồng thuận. Đến năm 2022, Ấn Độ sẽ trở thành một nước mạnh và thế giới sẽ phải chú ý đến quốc gia Nam Á như một siêu cường.

Sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân cũng tạo niềm tin và điều kiện thuận lợi để Thủ tướng N.Modi tiếp tục triển khai các chính sách cải cách kinh tế đang thực hiện như “Make in India” “India Digital”, “Smart City” cũng như các chính sách tài chính vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, đưa Ấn Độ trở thành công xưởng của thế giới để phát triển đất nước.

Dù còn nhiều thách thức, nhưng cơ hội đang mở ra cho quốc gia đứng thứ hai về dân số và thứ sáu về quy mô kinh tế toàn cầu. Niềm tin của người dân đặt vào Thủ tướng N.Modi sẽ là điểm tựa và động lực để Ấn Độ bước sang một trang lịch sử mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đảng cầm quyền giành thắng lợi bầu cử tại Ấn Độ: Động lực thúc đẩy cải cách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.