Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Không có nhiều tiến triển

Minh Hiếu| 01/08/2019 07:25

(HNM) - Sau thời gian dài gián đoạn, vòng đàm phán mới nhằm tìm ra giải pháp cho vấn đề thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc đã diễn ra trong hai ngày 30 và 31-7 tại thành phố Thượng Hải. Vòng đàm phán này được cho là kết thúc sớm hơn dự kiến. Dù chưa có bất cứ thông tin chính thức nào được công bố, nhưng qua các thông tin bước đầu cho thấy, cuộc gặp không có nhiều tiến triển.

Không có sự đột phá tại vòng đàm phán thương mại lần thứ 12 giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nỗ lực đối thoại được Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhất trí nối lại sau cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Nhật Bản hồi cuối tháng 6-2019.

Thay vì diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, vòng đàm phán thứ 12 giữa đại diện thương mại Mỹ và Trung Quốc được tổ chức tại thành phố Thượng Hải - nơi được mệnh danh là “thủ đô kinh tế” của "người khổng lồ" châu Á. Thành phố này cũng là nơi chứng kiến sự ra đời Thông cáo chung Thượng Hải năm 1972 - văn kiện đặt cột mốc quan trọng trong tiến trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao Mỹ - Trung Quốc.

Dù giới chức nước này khẳng định việc thay đổi địa điểm không làm ảnh hưởng tới quá trình thảo luận song phương, truyền thông địa phương lại nhận định đây là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh mong muốn gạt bỏ bế tắc và quyết tâm cải thiện tình hình. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cũng xem lời mời đến Thượng Hải là khởi đầu tốt lành để hai phía có thể đạt được tiến triển rõ ràng.

Nhằm đạt hiệu quả đối thoại cao hơn, Bắc Kinh đã thu hẹp phạm vi thảo luận của vòng đàm phán này để tập trung vào các vấn đề thương mại trực tiếp và cụ thể, tạm gác lại nội dung về cơ cấu dài hạn đến vòng đàm phán sau.

Tờ Global Times mô tả bầu không khí giữa hai bên khá tốt đẹp và mang tính xây dựng. Trọng tâm của các cuộc thảo luận xoay quanh nhiều chủ đề gai góc như quyền sở hữu trí tuệ, nông nghiệp, dịch vụ, cân bằng thương mại, biện pháp thuế quan và lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào các công ty Trung Quốc.

Một số nhượng bộ nhất định đã được cả hai bên đưa ra, khi Trung Quốc đang lên kế hoạch mua hàng triệu tấn đậu nành của Mỹ trong tháng 9 tới sau khi Tổng thống D.Trump phàn nàn rằng Bắc Kinh chưa thực hiện lời hứa với Washington trong cuộc tiếp xúc bên lề Hội nghị G20 là tăng mua nông sản. Xứ Cờ hoa cũng để ngỏ khả năng đưa ra câu trả lời vào tuần tới cho các công ty đề nghị được cấp phép đặc biệt để hợp tác với Tập đoàn Công nghệ hàng đầu Trung Quốc Huawei.

Dù vẫn duy trì sự lạc quan, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin thừa nhận rằng còn nhiều vấn đề cần giải quyết và hai phía sẽ phải thảo luận thêm tại Mỹ. Một thỏa thuận đạt được quá vội vàng có thể giúp tạm thời chấm dứt mức thuế cao mà hai nước áp đặt lên tổng cộng 360 tỷ USD giá trị hàng hóa của nhau, song khó lòng đưa quan hệ thương mại song phương trở lại trạng thái phát triển năng động và đa dạng.

Tuy nhiên, hàng loạt trở ngại vẫn bủa vây nỗ lực hóa giải căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc, khiến kết quả đàm phán không đạt kỳ vọng ban đầu. Cuộc gặp hôm 31-7 kết thúc sớm hơn 40 phút so với dự kiến với rất ít thông tin về những thảo luận cụ thể được tiết lộ, và dường như khoảng cách giữa hai bên chưa thể được thu hẹp lại.

Ngay trong lúc các nhà đàm phán Washington vẫn có mặt tại Thượng Hải, ông chủ Nhà Trắng đã lên tiếng chỉ trích Bắc Kinh "câu giờ" và sửa đổi thỏa thuận theo hướng có lợi cho mình, dẫn tới sự đổ vỡ của các vòng đàm phán.

Còn đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm khi cuộc gặp kết thúc mà không tạo được bước đột phá hướng tới giải quyết mâu thuẫn, và Washington cần thể hiện cho Bắc Kinh thấy sự chân thành và thiện chí một cách rõ ràng hơn.

Chiều 31-7, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các nhà đàm phán nước này và Mỹ sẽ tái đàm phán tại Mỹ vào tháng 9 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Không có nhiều tiến triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.