Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hình mẫu toàn cầu về chủ nghĩa đa phương

Thùy Dương| 08/08/2019 07:30

(HNM) - Hôm nay 8-8, tròn 52 năm Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) chính thức thành lập. Sau hơn 5 thập niên xây dựng và phát triển, đến nay, ASEAN đã trở thành một thực thể chính trị - kinh tế quan trọng, đóng góp hiệu quả cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định, phồn vinh của Đông Nam Á nói riêng và cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

ASEAN là khu vực hòa bình, ổn định, với sự gắn bó giữa các nước thành viên.

Thành lập ngày 8-8-1967 tại Bangkok (Thái Lan) với 5 thành viên ban đầu là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan, ASEAN đã dần phát triển thành một tổ chức hợp tác toàn diện, chặt chẽ, bao gồm cả 10 quốc gia Đông Nam Á khi kết nạp thêm Brunei, Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Đặc biệt, ASEAN đã có sự chuyển mình mang tính bước ngoặt khi chính thức hình thành Cộng đồng ASEAN từ ngày 31-12-2015 với đầy đủ 3 trụ cột về Chính trị - An ninh, Kinh tế và Văn hóa - Xã hội, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực cũng như thế giới. 

Hiện ASEAN đang ở giai đoạn giữa kỳ triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 với trọng tâm là triển khai các kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ đối ngoại, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình; tăng cường kết nối và thu hẹp khoảng cách phát triển. Đến nay, ASEAN đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên tiếp tục ổn định, dự kiến đạt 4,9% năm 2019 với tổng GDP ước đạt 3.000 tỷ USD.

Năm 2019, ASEAN tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và liên kết với chủ đề “Thúc đẩy quan hệ đối tác vì sự bền vững” trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được các năm trước. Theo đó, ASEAN tập trung nâng cao năng lực xử lý các thách thức an ninh, tăng cường năng lực ngoại giao phòng ngừa, thúc đẩy hợp tác quản lý biên giới, hợp tác biển, tăng cường kết nối, thuận lợi hóa thương mại, dịch vụ, đầu tư, phát triển kinh tế bền vững, gắn kết các sáng kiến kết nối trong khu vực, thúc đẩy hợp tác hướng đến người dân thông qua các chương trình về phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy giáo dục suốt đời...

Ngoài ra, ASEAN tiếp tục triển khai chính sách đối ngoại rộng mở, nỗ lực duy trì quan hệ cân bằng, hợp tác cùng có lợi với các đối tác, chủ động củng cố các cơ chế do ASEAN khởi xướng và chủ trì, tăng cường cấu trúc khu vực mở, minh bạch, dựa trên luật lệ với ASEAN đóng vai trò trung tâm.

Kết quả hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 và các hội nghị liên quan vừa diễn ra tại Thái Lan đầu tháng 8 là minh chứng rõ nét thể hiện sự đoàn kết, vai trò của ASEAN trong đối thoại, giải quyết các vấn đề khu vực và thế giới. ASEAN đã đoàn kết, thống nhất khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới, trong đó có vấn đề Biển Đông.

Kể từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 đến nay, Việt Nam đã tham gia sâu rộng, toàn diện vào tất cả các lĩnh vực hợp tác theo phương châm “chủ động, tích cực và có trách nhiệm”, đồng thời có những đóng góp quan trọng cho sự lớn mạnh của ASEAN thời gian qua.

Bên cạnh việc nỗ lực phối hợp cùng các nước thành viên xây dựng những định hướng, quyết sách quan trọng của ASEAN, Việt Nam luôn đề cao sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng và phát huy giá trị của các công cụ, cơ chế bảo đảm an ninh, thúc đẩy xây dựng lòng tin, chia sẻ các chuẩn mực ứng xử trong khu vực, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN thông qua các cơ chế, diễn đàn do ASEAN chủ trì.

Hiện Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1-1-2020. Phát biểu chỉ đạo trong lễ ra mắt Ủy ban quốc gia ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam luôn xác định ASEAN là ưu tiên hàng đầu, là “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương.

Dù đứng trước nhiều biến động, thách thức khó lường nhưng đến nay, ASEAN vẫn là khu vực hòa bình và ổn định trên thế giới với sự gắn bó, chia sẻ giữa các nước thành viên. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã khẳng định trong lễ kỷ niệm Ngày ASEAN vừa diễn ra tại Liên hợp quốc rằng, ASEAN không chỉ là tổ chức đại diện cho 10 quốc gia Đông Nam Á mà là một hình mẫu toàn cầu về chủ nghĩa đa phương với truyền thống đối thoại, tôn trọng và tin tưởng giữa các thành viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình mẫu toàn cầu về chủ nghĩa đa phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.