Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhật Bản: Nỗ lực nâng tầm vị thế tại Lục địa đen

Minh Hiếu| 02/09/2019 06:47

(HNM) - Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 7 vừa kết thúc tại thành phố Yokohama của Nhật Bản sau 3 ngày làm việc. Được coi là một trong những trụ cột trong chính sách đối ngoại của xứ Phù Tang nhằm nâng tầm ảnh hưởng và tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú cùng thị trường tiềm năng tại Lục địa đen, hội nghị đã ghi nhận những cam kết chặt chẽ của Tokyo trong việc hỗ trợ phát triển xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư khu vực.

Lãnh đạo các nước tại Hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 7

TICAD là sự kiện do Chính phủ Nhật Bản, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB) và Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) đồng tổ chức theo sáng kiến của Nhật Bản từ năm 1993. Sự kiện nhằm thúc đẩy đối thoại giữa lãnh đạo các nước châu Phi và đối tác về những vấn đề cấp bách mà châu lục này đang đối mặt. Sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào cùng trữ lượng dầu thô và khí đốt khổng lồ, châu lục này là địa bàn tranh giành ảnh hưởng của nhiều cường quốc khi được xem là trận tuyến cuối cùng của giới đầu tư quốc tế. Thị trường đầy tiềm năng cũng thu hút sự chú ý toàn cầu với dân số dự kiến sẽ tăng từ 1,2 tỷ lên 2,5 tỷ người vào năm 2050. Trong suốt gần 3 thập niên, TICAD là cơ hội để châu Phi thu hút nguồn vốn từ Nhật Bản và các đối tác hướng tới phát triển toàn diện, đặc biệt là về kinh tế.

Kể từ khi trở lại nắm quyền vào năm 2012, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã coi châu Phi là miền đất hứa trong nỗ lực tăng cường vị thế toàn cầu của xứ Phù Tang với hàng loạt chính sách định hướng sử dụng sức mạnh mềm, tập trung vào các dự án hỗ trợ phát triển ở nhiều quốc gia. Đây cũng là cơ sở tạo bước tiến đáng kể trong quan hệ giữa Tokyo và các nước khu vực. Số liệu của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho thấy, tổng cộng 35,6 tỷ USD đã được nước này đầu tư vào châu Phi trong giai đoạn 2016-2018, vượt mục tiêu 30 tỷ USD đặt ra tại TICAD lần thứ 6, trong đó có 10 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ và 25,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp Nhật Bản. Song, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn bị xem là kẻ đến sau khi tổng vốn đầu tư vẫn cách biệt khá xa so với nhiều cường quốc khác như Anh, Mỹ và Trung Quốc.

Cơ hội quan trọng để mở rộng ảnh hưởng tại Lục địa đen đã được Tokyo tận dụng, thể hiện qua Tuyên bố Yokohama được các nhà lãnh đạo và đại biểu đến từ nhiều tổ chức quốc tế và doanh nghiệp nhất trí thông qua. Tuyên bố nhấn mạnh việc tận dụng sức mạnh của đầu tư tư nhân để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xã hội ở châu Phi. Hội nghị TICAD lần thứ 7 cũng tập trung vào cách thức tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật Bản thâm nhập vào thị trường châu Phi, cũng như các vấn đề ưu đãi thuế và an ninh. Đây là cơ sở thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, đồng thời tránh việc một số nước nhận các khoản vay mà không có khả năng hoàn trả. Chính phủ của Thủ tướng S.Abe cũng cam kết cung cấp gói hỗ trợ phát triển trị giá trên 300 tỷ yên (tương đương 2,83 tỷ USD) cho châu Phi, song song với gói phổ cập y tế cơ bản cho 3 triệu người và tiếp tục cuộc chiến chống các bệnh truyền nhiễm thông qua đầu tư hơn nữa vào các sáng kiến y tế.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi, đồng Chủ tịch TICAD lần thứ 7 nhấn mạnh, việc đạt được một nền kinh tế vững mạnh không còn là trách nhiệm của riêng chính phủ các nước mà đòi hỏi phải tìm kiếm quan hệ đối tác mang tính xây dựng. Quan điểm này một lần nữa được Thủ tướng Nhật Bản S.Abe khẳng định tại lễ bế mạc hội nghị mà ông đã 3 lần chủ trì: “Châu Phi năng động hiện nay là đối tác của Nhật Bản và chúng ta có thể cùng nhau phát triển”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhật Bản: Nỗ lực nâng tầm vị thế tại Lục địa đen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.