Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cuộc chiến” lưỡng đảng tại Mỹ

Thùy Dương| 26/09/2019 06:56

(HNM) - Ngày 25-9 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tuyên bố mở cuộc điều tra luận tội chính thức đối với Tổng thống Donald Trump. Cuộc điều tra xoay quanh nghi vấn liệu ông chủ Nhà Trắng có lạm dụng quyền lực của người đứng đầu đất nước và tìm kiếm sự trợ giúp của nước ngoài để làm suy yếu đối thủ chính trị Joe Biden hay không.

Hạ viện Mỹ sẽ điều tra luận tội Tổng thống D.Trump.

Động thái này diễn ra sau khi Quốc hội Mỹ nhận được thông tin về một báo cáo tố giác từ một thành viên của cộng đồng tình báo liên quan đến một hoặc nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại giữa Tổng thống D.Trump với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky. Nội dung các cuộc đàm thoại được cho là có liên quan đến cựu Phó Tổng thống J.Biden, đối thủ tiềm tàng của ông D.Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra năm 2020.

Phe Dân chủ cho rằng, Tổng thống đương nhiệm đã trì hoãn 400 triệu USD viện trợ quân sự nhằm gây áp lực buộc Ukraine mở cuộc điều tra về ông J.Biden và con trai là Hunter Biden để tạo lợi thế trong cuộc bầu cử năm tới.

Điều này bắt nguồn từ việc năm 2014, khi đang giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, ông J.Biden đã tích cực thực hiện các nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Song ở thời điểm đó cũng xuất hiện những lời “xì xào” quanh chuyện Công ty Khí đốt Burisma của nước này tuyển dụng con trai ông là H.Biden.

Với nước Mỹ, việc cơ quan lập pháp tiến hành luận tội một tổng thống đương nhiệm là sự kiện hiếm hoi. Chủ tịch Hạ viện N.Pelosi cho rằng, Tổng thống D.Trump đã phản bội lời thề khi nhậm chức, phản bội an ninh quốc gia và "vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp" khi tìm cách tranh thủ một quyền lực từ nước ngoài để phục vụ mục tiêu chính trị.

Tại xứ Cờ hoa, một chiến dịch chính trị được xác định là bất hợp pháp khi chấp nhận "hỗ trợ có giá trị" từ một chính phủ nước ngoài. Vấn đề trở nên nhạy cảm trong bối cảnh ông D.Trump và ông J.Biden nhiều khả năng sẽ là hai ứng viên chính đại diện cho đảng Cộng hòa và Dân chủ tham gia cuộc bầu cử tổng thống năm sau.

Phản ứng trước sự kiện này, Tổng thống D.Trump đã bác bỏ hoàn toàn cáo buộc và gọi hành động của phe Dân chủ là “cuộc săn phù thủy". Ông chủ Nhà Trắng cũng khẳng định sẽ công bố đoạn băng ghi âm cuộc điện đàm giữa ông với nhà lãnh đạo Ukraine.

Tuy nhiên, sự việc rúng động này được cho là sẽ ảnh hưởng đến những cử tri còn dao động vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đã cận kề. Theo các nhà phân tích, nếu người cung cấp thông tin đồng ý ra làm chứng và những lời khai đủ sức thuyết phục thì điều đó chắc chắn sẽ làm thay đổi cục diện chính trị nước Mỹ.

Nhưng ngược lại, quyết định điều tra luận tội cũng tạo ra rủi ro đối với đảng Dân chủ nếu như cử tri tin rằng chính đảng này đang vượt quyền. Một sự kiện tương tự từng xảy ra với đảng Cộng hòa tại Hạ viện khi để mất nhiều ghế trong kỳ bầu cử năm 1998 chỉ vì theo đuổi quá trình luận tội Tổng thống lúc bấy giờ Bill Clinton với cáo buộc khai man và cản trở pháp luật liên quan tới bê bối tình ái với thực tập viên Nhà Trắng Monica Lewinsky. Chính vụ việc này đã gây "tác dụng ngược" khi tỷ lệ ủng hộ ông B.Clinton tăng cao trong khi các ứng viên của đảng Cộng hòa chịu tổn thất nặng nề tại cuộc bầu cử sau đó.

Ngoài ra, ngay cả khi Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát đồng ý luận tội Tổng thống D.Trump thì Thượng viện vẫn là cửa ải tiếp theo cần vượt qua. Theo quy định, nhất thiết phải có sự ủng hộ của 2/3 số Thượng nghị sĩ thì việc luận tội mới có thể được thông qua. Thế nhưng, đây là nhiệm vụ gần như bất khả thi với đảng Dân chủ khi Thượng viện đang nằm dưới sự kiểm soát của phe Cộng hòa.

Vì vậy, tiến trình điều tra luận tội Tổng thống D.Trump chắc chắn sẽ gây ra một "cuộc chiến" lưỡng đảng ngay trong Quốc hội Mỹ, đồng thời có khả năng ảnh hưởng tới các chiến dịch tranh cử của cả các ứng viên Dân chủ và Cộng hòa tại cuộc bầu cử năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cuộc chiến” lưỡng đảng tại Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.