Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động đất rung chuyển Tokyo và các tỉnh phụ cận trong lúc siêu bão Hagibis đổ bộ

Đào Tùng - Lan Phương (TTXVN)| 12/10/2019 20:23

Chiều tối 12-10, một trận động đất có độ lớn 5,7 richter (trên thang đo động đất 7 độ của Nhật Bản) đã làm rung chuyển thủ đô Tokyo và các tỉnh phụ cận. Trận động đất này xảy ra trong lúc siêu bão Hagibis đang đổ bộ vào khu vực này làm dấy lên các lo ngại về nguy cơ xảy ra thảm họa kép.

Cảnh tàn phá sau khi siêu bão Hagibis đổ bộ vào tỉnh Chiba, Nhật Bản, ngày 12-10. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) cho biết trận động đất này xảy ra vào lúc 18h22 ngày 12-10 (giờ địa phương) ở độ sâu khoảng 80km, với tâm chấn nằm ở vị trí 34,7 vĩ độ Bắc và 140,7 kinh độ Đông ngoài khơi tỉnh Chiba. Trận động đất đã làm rung chuyển thủ đô Tokyo và khu vực miền Trung Nhật Bản. 

Cường độ của trận động đất đo được ở khu vực Nambu của tỉnh Chiba là 4 độ richter, tại các khu vực Hokutobu và Hokuseibu của tỉnh Chiba, quận Nijusan của thủ đô Tokyo, đảo Miyakejima và một số khu vực thuộc các tỉnh Kanagawa và Shizuoka là 3 độ richter. Cho đến nay, vẫn chưa có cảnh báo sóng thần nào được đưa ra. 

Trước đó vài giờ, JMA đã đưa ra cảnh báo thiên tai khẩn cấp ở cấp độ 5 - mức cao nhất trong thang cảnh báo 5 cấp độ của nước này - sau khi ghi nhận lượng mưa kỷ lục do cơn bão số 19, có tên gọi quốc tế là Hagibis gây ra. Đây là mức cảnh báo chưa từng có tại Nhật Bản trong hàng chục năm qua. 

Bão Hagibis được dự báo sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng nghiêm trọng tại Tokyo và 6 tỉnh gồm Gunma, Saitama, Kanagawa, Yamanashi, Nagano và Shizuoka. Ngoài ra, tỉnh Chiba gần Tokyo cũng chịu ảnh hưởng của cơn bão này. Theo giới chức địa phương, cơ quan chức năng đã phát hiện thi thể 1 nam giới trong độ tuổi 50 trong một chiếc xe bị lật. Trong khi đó, 11 trường hợp bị thương khác cũng đã được ghi nhận tại một số địa phương trên cả nước. Tình trạng mất điện cũng đã xảy tại tỉnh Chiba, ảnh hưởng đến khoảng 770.000 người. 

JMA kêu gọi những người dân sinh sống trong các khu vực này, đặc biệt là các địa phương gần sông, biển và núi, cần có các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng của mình. Trong trường hợp đang di chuyển đến các điểm lánh nạn mà gặp phải tình trạng nguy hiểm thì phải nhanh chóng tìm cách trú ẩn tại các ngôi nhà cao gần đó. 

Do ảnh hưởng của bão Hagibis, sân bay Narita và Haneda gần thủ đô Tokyo đồng loạt đóng cửa. Dịch vụ tàu siêu tốc Shinkansen nối thủ đô Tokyo với Nagoya ngừng hoạt động trong ngày 12-10 và nhiều khả năng tình trạng này còn kéo dài đến hết sáng 13-10.

Đến 19h ngày 12-10 (theo giờ địa phương), theo JMA, bão Hagibis đã đổ bộ vào bán đảo Izu và có thể mang theo lượng mưa lớn nhất kể từ sau cơn bão hủy diệt Ida năm 1958 khiến 1.200 người chết và mất tích trên toàn Nhật Bản. 

Để giúp người nước ngoài phòng tránh siêu bão Hagibis, Chính phủ Nhật Bản đã tăng cường dịch vụ thông tin bằng tiếng nước ngoài về cơn bão thông qua các ứng dụng trên điện thoại di động và mạng xã hội. Bên cạnh đó, các sân bay lớn cũng huy động thêm các nhân viên có khả năng ngoại ngữ. Các trung tâm thông tin du lịch trên cả nước cũng đang lắp đặt nguồn điện và thiết bị sạc điện thoại di động trong trường hợp khẩn cấp. Nhiều cửa hàng trong và quanh Tokyo đều đã đóng cửa, người dân đổ xô tích trữ lương thực, nước và nhu yếu phẩm cần thiết khiến các siêu thị trống trơn. Hai hãng sản xuất ô tô Toyota và Honda đều ngừng hoạt động tại các nhà máy trong ngày 12-10. 

Riêng tại thủ đô Tokyo, chính quyền thành phố đã bố trí nơi trú ẩn tạm thời tại tòa nhà Tokyo Bunka Kaikan ở quận Taito cho các du khách nước ngoài đang mắc kẹt do hệ thống giao thông bị gián đoạn. Tòa nhà dự kiến sẽ mở cửa từ 13h ngày 12-10 tới 9h sáng 13-10. Tuy nhiên, thời gian mở cửa có thể thay đổi tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bão.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động đất rung chuyển Tokyo và các tỉnh phụ cận trong lúc siêu bão Hagibis đổ bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.