Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Bước tiến lạc quan

Minh Hiếu| 09/11/2019 06:55

(HNM) - Mỹ và Trung Quốc nhất trí sẽ dỡ bỏ các mức thuế quan đối với hàng hóa của nhau theo từng giai đoạn được đánh giá là tiến triển mới lạc quan và đầy bất ngờ trong nỗ lực giải quyết căng thẳng thương mại suốt nhiều tháng qua giữa hai bên. Nếu đạt được những cam kết và biện pháp cụ thể tiếp theo, hai nền kinh tế hàng đầu thế giới sẽ vạch ra lộ trình “xuống thang” và từng bước hóa giải mâu thuẫn thương mại, mang lại lợi ích cho hai nước và sự ổn định của kinh tế thế giới.

Việc dỡ bỏ thuế quan theo từng giai đoạn giúp hai nền kinh tế hàng đầu thế giới thu hẹp mâu thuẫn.

Thông tin tích cực này được Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ diễn ra hôm 7-11 vừa qua. Quan chức này khẳng định, việc hủy bỏ thuế quan là điều kiện quan trọng để Bắc Kinh và Washington có thể đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, trong đó các mức thuế được mỗi nước dỡ bỏ cần phải tương đương nhau.

Nguồn tin từ truyền thông phương Tây cho biết, các nhà đàm phán Trung Quốc mong muốn phía Mỹ giảm 15% thuế đối với lượng hàng xuất khẩu trị giá 125 tỷ USD của nước này vừa bị đánh thuế từ ngày 1-9 vừa qua. Bắc Kinh cũng kỳ vọng Washington sẽ hạ thấp mức thuế 25% đối với khoảng 250 tỷ USD hàng hóa khác nhập khẩu từ Trung Quốc, như máy móc, chất bán dẫn, đồ nội thất...

Cho đến nay, việc ký kết thỏa thuận thương mại một phần của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa thể được thực hiện sau nhiều lần bị trì hoãn. Nguồn tin từ một quan chức cấp cao Nhà Trắng tiết lộ, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vốn dự kiến diễn ra trong tháng 11 này có thể bị hoãn tới tháng 12 do hai bên vẫn cần tiếp tục đàm phán về các điều khoản và địa điểm tổ chức.

Trong khi đó, các quan chức Washington và Bắc Kinh đều đang nỗ lực thúc đẩy ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 vào trước ngày 15-12, thời điểm các biện pháp tăng thuế của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, như máy tính xách tay, đồ chơi và các thiết bị điện tử sẽ có hiệu lực. 

Hàng loạt địa điểm mới cho cuộc gặp được mong đợi này đang được xem xét sau khi Chile hủy đăng cai Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), nơi dự kiến diễn ra cuộc gặp giữa hai bên. Một số phương án khác đang được xem xét là tại châu Âu và châu Á, trong đó có thủ đô London (Anh), nơi hai nhà lãnh đạo có thể gặp nhau sau Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào đầu tháng 12 tới.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã thông báo về chuyến đi dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 11 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Brazil vào tuần tới của Chủ tịch Tập Cận Bình, song Bắc Kinh chưa đề cập đến kế hoạch nhà lãnh đạo nước này dừng chân tại Mỹ hay khả năng tổ chức một cuộc gặp với ông chủ Nhà Trắng.

Trả lời phỏng vấn vào ngày 7-11, Người phát ngôn Nhà Trắng Stephanie Grisham tỏ ra lạc quan về khả năng sớm đạt thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Kế hoạch của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng tạo tâm lý tích cực cho giới đầu tư. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7-11, các chỉ số chủ chốt của chứng khoán Mỹ là Dow Jones và S&P 500 đều lập kỷ lục mới khi lần lượt tăng 0,7% và 0,3%. Giá dầu giao tháng 12 tại New York tăng 1,4%, đạt 57,15 USD/thùng, trong khi giá dầu giao tháng 12 tại thị trường London tăng 0,9%, đạt 62,32 USD/thùng. 

Vì vậy, dù thỏa thuận giai đoạn 1 chưa được ký kết và vẫn có khả năng đổ vỡ giống như các vòng đàm phán trước, song động thái mới của Washington và Bắc Kinh là một bước tiến quan trọng trong nỗ lực xoa dịu căng thẳng thương mại và cho thấy hai cường quốc kinh tế thế giới đang tiến gần hơn tới một thỏa thuận toàn diện, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc: Bước tiến lạc quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.