Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy: "Chìa khóa" hòa bình cho Ukraine

Minh Hiếu| 11/12/2019 07:24

(HNM) - Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy vừa kết thúc rạng sáng 10-12 (theo giờ Việt Nam) tại thủ đô Paris, Pháp với kết quả được nhận định là thành công, khi các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố chung nhất trí thực thi ngay các biện pháp nhằm giải quyết cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Đây được đánh giá là "chìa khóa", mở ra cơ hội tốt nhằm giảm chiến sự và tiến gần hơn tới việc chấm dứt xung đột kéo dài hơn 5 năm qua tại Ukraine - cuộc chiến duy nhất hiện nay trên lục địa châu Âu.

Các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ Normandy đã có cuộc gặp tại Paris nhằm thảo luận việc chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine.

Hội nghị diễn ra tại Điện Elysee là cuộc gặp đầu tiên trong vòng 3 năm qua giữa các nhà lãnh đạo Nhóm Bộ tứ gồm Nga, Ukraine, Đức và Pháp, nhằm tìm cách triển khai thỏa thuận ký năm 2015 tại Minsk (Belarus) về tình hình Ukraine.

Theo số liệu thống kê của Liên hợp quốc, cuộc xung đột vũ trang nổ ra từ năm 2014 giữa quân đội Chính phủ Ukraine và các lực lượng giành độc lập ở miền Đông nước này đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người. Xung đột cũng khiến quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây xấu thêm khi Nga tuyên bố sáp nhập bán đảo Crimea, đồng thời Ukraine và các đồng minh cáo buộc Mátxcơva hỗ trợ tài chính, quân sự cho phe ly khai. 

Ngay sau khi kết thúc hội nghị, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc họp báo chung để thông báo về kết quả liên quan đến tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Các vấn đề chính được đưa ra thảo luận gồm: Trao đổi tù nhân, lệnh ngừng bắn và việc rút quân khỏi các khu vực lãnh thổ tại Donbass. Đánh giá về kết quả cuộc gặp, lãnh đạo Nhóm Bộ tứ Normandy khẳng định hội nghị thượng đỉnh đã đạt được nhiều bước tiến khả quan dù vẫn còn một số vấn đề tồn đọng. 

Theo thỏa thuận đạt được, các bên nhất trí trả tự do cho tù nhân trước cuối năm nay; hình thành 3 khu vực giảm xung đột mới, thiết lập các điểm qua lại mới, cho phép dân thường đi qua đường ranh giới kiểm soát chia tách Donetsk và Lugansk với phần còn lại của Ukraine. Lãnh đạo 4 nước ủng hộ việc thực thi “Công thức Steinmeier”, trong đó các cuộc bầu cử sẽ được tổ chức ở Donetsk và Lugansk với quan điểm là trao quy chế tự trị cho mỗi vùng.

Ngoài ra, Nhóm Bộ tứ khẳng định tuân thủ các điều khoản chính trị trong Thỏa thuận Minsk về việc rút các khí tài hạng nặng và khôi phục sự kiểm soát của Kiev tại các đường biên giới. Đáng chú ý nhất là việc Ukraine và Nga nhất trí sẽ thực thi một lệnh ngừng bắn toàn diện tại miền Đông Ukraine trước khi kết thúc năm 2019, mở đường cho các giải pháp chính trị và ngoại giao.

Thủ tướng Đức A.Merkel nhận định, hội nghị thượng đỉnh tại Paris lần này đã giúp các bên vượt qua “giai đoạn ru ngủ” trong giải quyết cuộc khủng hoảng dai dẳng ở miền Đông Ukraine. Trên thực tế, vẫn còn nhiều thách thức để tiến tới chấm dứt chiến tranh. Tổng thống E.Macron cho biết, Nga có thể tái gia nhập Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới nếu xung đột Ukraine được giải quyết.

Trong khi Điện Kremlin vẫn muốn duy trì ảnh hưởng tới Kiev nhiều nhất có thể thì Tổng thống Ukraine phải giải bài toán cân bằng lợi ích, giữa việc thúc đẩy tiến trình hòa bình với nguy cơ tiềm ẩn trong trường hợp nhượng bộ quá nhiều. Nhà lãnh đạo trẻ tuổi này nhiều lần khẳng định sẽ không bao giờ nhượng bộ về lãnh thổ cũng như việc liên bang hóa đất nước. 

Kết quả lớn nhất của cuộc gặp tại thủ đô nước Pháp chính là việc lãnh đạo các bên liên quan đến hồ sơ Ukraine đã ngồi lại, trao đổi với nhau sau hơn 3 năm tiến trình này bị đóng băng. Bên cạnh đó, những vấn đề được đưa ra thảo luận đều có liên hệ trực tiếp với cuộc sống của người dân. Những diễn biến tích cực hơn đang được trông đợi tại hội nghị tiếp theo của nhóm này, dự kiến sẽ được tổ chức sau 4 tháng nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Bộ tứ Normandy: "Chìa khóa" hòa bình cho Ukraine

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.