Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Thái Lan trước viễn cảnh ảm đạm

Quỳnh Dương| 07/02/2020 08:14

(HNM) - Trong bối cảnh hệ thống tài chính ngày càng trở nên mong manh do tình trạng giảm tốc kinh tế kéo dài, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT) vừa phải đưa ra quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản từ 1,25% xuống mức thấp kỷ lục 1% với hy vọng nâng tăng trưởng lên mức cần thiết.

Nền kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng nặng nề do khách du lịch quốc tế giảm mạnh.

Theo dự báo của lãnh đạo BoT trong cuộc họp đầu tiên của năm 2020, tăng trưởng kinh tế của nước này có thể ở dưới mức tiềm năng. Năm 2019, nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của xứ chùa Vàng đã xuống mức thấp nhất trong 4 năm gần đây. Nếu không có những biện pháp phù hợp, tình hình có xu hướng nghiêm trọng hơn do các ngành sản xuất, dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra và nhiều tháng trì hoãn thực hiện ngân sách tài khóa 2020. Một quan chức cao cấp của BoT cho rằng cả hai yếu tố đã giáng thêm những đòn mới vào nền kinh tế Thái Lan vốn đang yếu kém, nhất là trong quý I-2020. Nguyên nhân chủ yếu là lượng khách du lịch quốc tế đến Thái Lan suy giảm mạnh nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, nhất là từ Trung Quốc - nguồn khách du lịch lớn nhất của Thái Lan. Theo thống kê, năm 2019, khách du lịch Trung Quốc đã chi tiêu khoảng 18 tỷ USD ở Thái Lan, chiếm 1/3 lượng chi tiêu của du khách nước ngoài nói chung.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết, dịch bệnh sẽ làm cho số lượng du khách Trung Quốc tới nước này giảm tới 80% (khoảng 2,32 triệu lượt) trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4-2020, với thất thu ước tính 98 tỷ baht (3,14 tỷ USD). Trong khi đó, Đại học Thương mại Thái Lan (UTCC) ước tính nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này sẽ thiệt hại 80-100 tỷ baht về thu nhập, chủ yếu là từ du lịch, do dịch bệnh. Sự sụt giảm này sẽ làm cho tăng trưởng kinh tế của Thái Lan giảm 0,5-0,7% trong năm nay.

Các chuyên gia tài chính nhận định, khả năng kinh tế Thái Lan bước vào một đợt suy thoái trong năm 2020 là khá cao. Đây là thách thức đối với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ tiếp tục làm tổn hại đến hàng xuất khẩu của Thái Lan, vốn được dự báo sẽ giảm 2% trong năm 2020. Lĩnh vực chế tạo và việc làm cũng không thể bứt phá, Thái Lan còn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động.

Năm 2019, BoT đã hai lần cắt giảm lãi suất cơ bản vào tháng 8 và tháng 11, mỗi lần giảm 0,25%, nhằm đưa dòng tiền trở lại thị trường. Chính phủ Thái Lan cũng phải đưa ra các biện pháp kích thích bổ sung, "bơm" khoảng 144 tỷ baht (4,76 tỷ USD) vào nền kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đồng thời duy trì lực đẩy cho quý I-2020. Biện pháp kích thích đầu tiên trong gói bổ sung vừa được thông qua chia thành 3 phần nhỏ với mục tiêu củng cố nền kinh tế cơ sở, trong đó mỗi dự án tại 71.742 xã sẽ được nhận tới 200.000 baht, đồng thời chi 14,3 tỷ baht để nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn. Biện pháp thứ hai liên quan đến việc phân bổ 26,7 tỷ baht để hỗ trợ chi phí thu hoạch của người trồng lúa và cải thiện vụ mùa. Biện pháp thứ ba là dành 5 tỷ baht để giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho người mua nhà và tạo điều kiện cho người dân có cơ hội mua nhà riêng.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo chi tiêu và các gói kích thích của Chính phủ có thể thúc đẩy nền kinh tế trong ngắn hạn, nhưng không mang lại tỷ lệ tăng trưởng cao hơn. Do đó, việc hạ lãi suất xuống mức thấp nhất trong lịch sử nước này hy vọng sẽ tạo thành đòn bẩy tích cực, giúp nền kinh tế của Thái Lan có nhiều khởi sắc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Thái Lan trước viễn cảnh ảm đạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.